Đề xuất 7 giải pháp phát triển nguồn nhân lực văn hóa

Các đại biểu Quốc hội đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện về phát triển nguồn nhân lực văn hóa.

Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Từ đó, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện về phát triển nguồn nhân lực văn hóa.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực văn hóa phù hợp với đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số. Các chương trình đào tạo cần tích hợp sâu hơn các yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số và được thiết kế để đáp ứng từng nét đặc trưng của mỗi vùng miền.

Thứ hai, Chính phủ cần có các chính sách đãi ngộ như tăng lương, hỗ trợ nhà ở và các phụ cấp đặc thù cho nhân lực, văn hóa làm việc tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này không chỉ thu hút được nhân lực có trình độ cao, còn khuyến khích họ gắn bó lâu dài với cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Thứ ba là thiết lập các cơ sở đào tạo văn hóa dân tộc tại địa phương. Cần xây dựng các trường chuyên về văn hóa dân tộc hoặc các trung tâm đào tạo văn hóa tại vùng dân tộc thiểu số sẽ giúp phát triển nhân lực chuyên nghiệp ngay từ nguồn gốc ở địa phương. Việc này không chỉ giúp các cá nhân được đào tạo sát với văn hóa bản địa mà còn tạo điều kiện cho người dân địa phương có thể học tập và làm việc gần nhà.

 Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Bộ VH-TT&DL.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Bộ VH-TT&DL.

Thứ tư là tăng cường liên kết giữa nhà trường và cộng đồng, cần đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở đào tạo và cộng đồng dân tộc thiểu số để xây dựng các khóa học mang tính thực tiễn, gắn kết sinh viên với đời sống văn hóa thực tế. Các trường có thể mời nghệ nhân địa phương làm giảng viên, tổ chức các chuyến tham quan thực tế và hỗ trợ sinh viên tham gia các lễ hội dân gian, giúp họ hiểu sâu hơn về văn hóa địa phương.

Thứ năm là ứng dụng công nghệ thông tin. Trong việc đào tạo và bảo tồn văn hóa, sử dụng công nghệ số để tạo ra các tài liệu học tập số hóa về văn hóa dân tộc thiểu số, lưu trữ các di sản văn hóa và chia sẻ các bài giảng online về văn hóa truyền thống. Nhờ công nghệ số, người học có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu các giá trị văn hóa mọi lúc mọi nơi, giúp phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, nền tảng và kỹ năng chuyên sâu về văn hóa dân tộc.

Thứ sáu là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn văn hóa, phát động các phong trào bảo vệ và phát huy văn hóa tại các địa phương, khuyến khích các thành viên trong cộng đồng tích cực tham gia, đồng thời cần có các chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, tổ chức hội thảo và các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Thứ bảy là tăng cường vai trò của các tổ chức văn hóa địa phương, hỗ trợ các tổ chức văn hóa dân tộc tại địa phương phát triển các dự án bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, đưa ra các chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức này hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển du lịch văn hóa, từ đó tạo ra nguồn thu nhập bổ sung để duy trì và phát huy các giá trị văn hóa.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-7-giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-van-hoa-post707574.html