Đề xuất ba phương án về gói bảo hiểm y tế bổ sung
Trong bối cảnh thu nhập và nhu cầu được chăm sóc sức khỏe toàn diện của người dân tăng, việc có thêm hình thức bảo hiểm y tế bổ sung là rất cần thiết, theo đề xuất của Bộ Y tế...
Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Trong đó, Bộ đề xuất bổ sung quy định hình thức bảo hiểm y tế bổ sung liên kết với bảo hiểm y tế thương mại, do công ty bảo hiểm thực hiện theo hình thức tự nguyện.
CHI TIỀN TÚI CỦA NGƯỜI DÂN CHO Y TẾ VẪN Ở MỨC CAO
Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ Y tế cho biết, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh việc tỷ lệ chi từ tiền túi tương đối cao (hiện khoảng 43%) trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam. Điều này có thể gây nguy cơ thiếu sự bền vững trong dài hạn, đặc biệt khi chúng ta đã bước vào thời kỳ già hóa dân số, và trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới từ năm 2017.
Vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng đa dạng ở cả nhóm đại chúng, và nhóm người có thu nhập trung bình khá trở lên đang dần trở thành mối quan tâm lớn.
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức bảo hiểm y tế. Đó là, bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế. Đây là hình thức bảo hiểm mang tính xã hội, không vì mục đích lợi nhuận, và được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật. Mọi người dân phải bắt buộc tham gia theo Luật.
Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.
Hình thức thứ hai là bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện, và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện.
Mặc dù có mức phí thường cao hơn so với bảo hiểm y tế bắt buộc, nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia, do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng.
Tuy nhiên, các phạm vi quyền lợi thường bị trùng với phần bảo hiểm y tế bắt buộc đã chi trả, hoặc công ty có xu hướng lựa chọn dịch vụ để chi trả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
Do Nhà nước không can thiệp mà phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm do công ty tự xây dựng, nên người bệnh chưa được bảo vệ về quyền lợi toàn diện.
Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết và chưa có vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế để kiểm soát, và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm sức khỏe, trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, phi lợi nhuận.
Hơn nữa, mặc dù phạm vi quyền lợi của bảo hiểm y tế của Việt Nam được đánh giá là khá rộng với mức hưởng khá cao so với mức đóng. Tuy nhiên, trên thực tế, người tham gia bảo hiểm y tế vẫn phải đồng chi trả đối với các dịch vụ thuộc phạm vi quyền lợi, và phải chi trả toàn bộ đối với các dịch vụ ngoài phạm vi quyền lợi.
Trong bối cảnh, thu nhập và nhu cầu được chăm sóc toàn diện của người dân tăng, Bộ Y tế cho rằng, việc quy định bảo hiểm y tế bổ sung là rất cần thiết.
CÂN NHẮC KỸ CÁC MẶT LỢI - HẠI ĐỂ LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN PHÙ HỢP
Xuất phát từ những bất cập như trên, trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Bộ Y tế nêu 3 phương án được đề xuất về bảo hiểm y tế bổ sung.
Phương án 1: Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc giao Chính phủ quy định về bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện, do các cơ sở kinh doanh bảo hiểm thực hiện đối với các đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, để đa dạng hóa các gói quyền lợi theo nhu cầu và khả năng của người dân.
Dự thảo Luật quy định giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ quy định về gói quyền lợi bảo hiểm y tế bổ sung tự nguyện.
Phương án 2: Quy định cụ thể về bảo hiểm y tế bổ sung, theo hướng người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện tự nguyện mua thêm các gói bảo hiểm y tế bổ sung theo nhu cầu.
Đơn cử như: Gói bảo hiểm y tế bổ sung chi trả cho phần cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh; Gói bảo hiểm y tế bổ sung chi trả cho chi phí khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến, các dịch vụ, thuốc, thiết bị y tế được quỹ hiểm y tế chi trả theo tỷ lệ; Gói bảo hiểm y tế bổ sung chi trả cho các dịch vụ ngoài phạm vi Quỹ Bảo hiểm y tế….
Các gói này sẽ do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp, để được hưởng gói quyền lợi bổ sung ngoài quyền lợi của bảo hiểm y tế bắt buộc. Nguyên tắc thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung là phi lợi nhuận.
Phương án 3: Giữ nguyên như quy định hiện hành là không quy định về bảo hiểm y tế bổ sung.
Bộ Y tế đánh giá, trong 3 phương án, phương án 1 và 2 có tác động tích cực về kinh tế đối với cả Nhà nước và Quỹ bảo hiểm y tế; tạo nguồn thu tăng cho Quỹ Bảo hiểm y tế và tiết kiệm chi cho ngân sách. Đồng thời, còn tăng thu ngân sách thông qua thuế từ lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm y tế thương mại.
Cùng với đó, giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thêm nguồn tài chính đầu vào từ việc sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thương mại của người dân.
Hai phương án cũng giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân, cũng như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, người dân sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khi đi khám chữa bệnh, và giảm chi tiền túi, góp phần đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiền túi, hiện là 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.
Phương án 1 và 2 còn có tác động tích cực đến doanh nghiệp bảo hiểm, khi họ có thêm các hợp đồng bảo hiểm bổ sung, tạo thêm doanh thu đối với ít nhất khoảng 1 triệu người tham gia bảo hiểm bổ sung.
Theo Bộ Y tế, như vậy, phương án 1 và 2 vượt trội hoàn toàn so với phương án 3, vì phương án 3 giữ nguyên hiện trạng pháp luật nên không làm tăng nguồn thu, ngược lại còn tốn thêm chi phí để giải quyết các vấn đề sức khỏe, xã hội, do một bộ phận người dân không tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Tuy nhiên, thực hiện phương án 2 với quy định doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung không vì mục đích lợi nhuận, Nhà nước sẽ cần giải quyết phản ứng của doanh nghiệp về quy định này. Khi so sách giữa tác động tích cực và tiêu cực của các phương án, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn phương án 1.
Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tính đến cuối năm 2023, toàn quốc có trên 93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 93% dân số, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-ba-phuong-an-ve-goi-bao-hiem-y-te-bo-sung.htm