Đề xuất bổ sung nhiều quy định mới về quản lý bảo trì đường sắt

Dự thảo thông tư thay thế quy định hiện hành bổ sung các quy định: Trách nhiệm các chủ thể trong xử lý công trình nguy hiểm, dự phòng cho công trình khẩn cấp, chi phí quản lý hợp đồng đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia...

Dự kiến Thông tư mới quy định về quản lý bảo trì đường sắt quốc gia sẽ được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2025

Dự kiến Thông tư mới quy định về quản lý bảo trì đường sắt quốc gia sẽ được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2025

Theo Quyết định số 797/QĐ - TTg ngày 5/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý), Bộ GTVT đặt hàng Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện toàn bộ hoạt động quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Để triển khai cơ chế trên, Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (dự kiến được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2025, thay thế Thông tư số 03/2021/TT-BGTVT).

Cục Đường sắt VN cho biết, dự thảo thông tư gồm 5 chương, 23 điều và 5 phụ lục (giảm 2 điều và tăng 1 phụ lục so với thông tư hiện hành), trong đó bổ sung khá nhiều quy định mới về quản lý chất lượng bảo trì, xác định trách nhiệm các chủ thể trong quản lý bảo trì đường sắt...

Nổi bật là quy định về đánh giá an toàn công trình đường sắt đang khai thác, dự thảo bổ sung quy định: "Tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản rà soát, xây dựng danh mục công trình đường sắt thuộc đối tượng phải đánh giá an toàn công trình gửi Cục Đường sắt VN tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh theo địa bàn quản lý để thống nhất danh mục công trình đường sắt phải đánh giá an toàn công trình". Cùng đó, UBND cấp tỉnh thống nhất danh mục công trình đường sắt thuộc đối tượng đánh giá để làm cơ sở triển khai đánh giá an toàn.

Về kế hoạch bảo trì, bổ sung các quy định: phê duyệt nhu cầu bảo trì để bảo đảm tính đồng bộ với quy định của pháp luật về ngân sách; dự phòng cho các nhiệm vụ xử lý khẩn cấp sự cố công trình; khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và chuẩn bị đầu tư sửa chữa công trình năm tiếp theo. Bổ sung quy định về việc phê duyệt danh mục công trình chuẩn bị đầu tư nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án sửa chữa công trình đường sắt.

Về thực hiện kế hoạch bảo trì, bổ sung quy định về nội dung quy định và trình tự thực hiện đối với công trình sửa chữa có quy mô nhỏ hơn 500 triệu đồng để bảo đảm đầy đủ cho các trường hợp sửa chữa công trình theo quy định.

Về quản lý chất lượng bảo trì công trình, sửa đổi, bổ sung để làm rõ trách nhiệm các chủ thể có liên quan trong việc quản lý chất lượng bảo trì công trình đường sắt, bảo đảm tính đồng bộ với phương án triển khai kế hoạch bảo trì. Cụ thể, tổ chức được giao quản lý tài sản là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý chất lượng, tổ chức nghiệm thu khối lượng, chất lượng bảo trì công trình; Cục Đường sắt VN thực hiện quản lý chất lượng bảo trì thông qua việc kiểm soát nội dung công việc do tổ chức được giao quản lý tài sản thực hiện, cũng như tổ chức nghiệm thu xác nhận hoàn thành và quản lý hợp đồng đặt hàng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điểm mới khác là dự thảo bổ sung quy định về chi phí quản lý hợp đồng đặt hàng để sử dụng cho các nhiệm vụ do Cục Đường sắt VN thực hiện. Chi phí này được xác định bằng dự toán lập hàng năm và không vượt quá 10% của chi phí quản lý, giám sát công tác bảo dưỡng thường xuyên.

Được biết, hệ thống đường sắt quốc gia đi qua 34 tỉnh/thành phố, gồm 7 tuyến chính, với tổng chiều dài đường sắt 3.143 km và 297 ga. Từ trước đến nay, công tác quản lý bảo trì thường xuyên đường sắt quốc gia được Tổng công ty Đường sắt VN giao cho 20 công ty cổ phần thực hiện theo địa bàn nhất định.

Đối tượng áp dụng của dự thảo thông tư trên gồm: Cục Đường sắt VN (cơ quan được Bộ GTVT giao nhiệm vụ đặt hàng thực hiện bảo trì, tổ chức triển khai kế hoạch bảo trì); Tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp); Các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng và bảo trì công trình đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư.

Tùng Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/de-xuat-bo-sung-nhieu-quy-dinh-moi-ve-quan-ly-bao-tri-duong-sat-183241021154846916.htm