Đề xuất cơ chế để cử tri đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội

Chiều 17/10, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về 'Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách' đã chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo để cho ý kiến hoàn thiện Đề án trước khi trình Đảng đoàn Quốc hội.

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Đề án hiện nay đã tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, như có hay không tiếp tục lượng hóa cụ thể hơn nữa các tiêu chuẩn, điều kiện đối với đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các văn bản của Đảng hiện nay.

Các ý kiến tại phiên họp cho rằng, việc đảm bảo tiêu chuẩn “có kinh nghiệm công tác và uy tín” là một trong những tiêu chuẩn rất quan trọng tạo nên chất lượng của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên quy định “kinh nghiệm” cần phải gắn với đặc điểm từng nhóm đối tượng đại biểu, giữa nhóm chuyên trách và kiêm nhiệm là khác nhau. Để tăng cường mối liện hệ của đại biểu Quốc hội với cử tri, các ý kiến đề nghị cần hoàn thiện cơ chế đảm bảo để cá nhân đại biểu thực hiện chức năng giám sát; ấn định tăng số lượng ngày tiếp công dân trong tháng của đại biểu. Trong đề án cũng đề xuất cơ chế để cử tri đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuy nhiên một số ý kiến cũng còn băn khoăn về tính khả thi của giải pháp xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sát thực. Đồng thời đề nghị, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập nghiên cứu đưa vào Đề án đề xuất sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 525 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc vì có nhiều điểm hiện nay không còn phù hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Đề án này, các đồng chí cần bổ sung giải pháp về việc phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Nghị quyết liên tịch cụ thể hóa khoản 3 Điều 16 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, cái này rất cần”

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Đề án. Nhấn mạnh, tinh thần là nội dung nào đã chín, đã rõ, có cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, có sự đồng thuận cơ bản thì mới đưa vào Đề án.

Thực hiện : Dương Dung Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-xuat-co-che-de-cu-tri-danh-gia-hoat-dong-cua-dai-bieu-quoc-hoi