Đề xuất để hội nghề nghiệp thẩm định giấy phép hành nghề y

Việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn năm năm, người muốn có chứng chỉ phải trải qua các kỳ thi sẽ đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ hành nghề.

Chiều 26-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Hai nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm thảo luận là vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề y có thời hạn năm năm và giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB).

Ai thẩm định chứng chỉ hành nghề y?

Về quy định cấp chứng chỉ hành nghề y, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) tán thành cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn, cấp năm năm một lần. Tuy nhiên, ĐB Lan đề nghị có quy định cụ về cơ quan thẩm định chứng chỉ hành nghề được đặt ra trong dự thảo luật là Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Bà Lan đề nghị cần phát huy vai trò của Tổng hội Y học, hội nghề nghiệp trong việc đánh giá, thẩm định chứng chỉ hành nghề y thay vì lấy lực lượng chủ đạo từ các nhà quản lý (bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, cục trưởng, giám đốc Sở Y tế). “Anh em khi được đánh giá về chuyên môn bởi những người thầy rất mạnh về chuyên môn, họ cũng yên tâm hơn, tâm phục khẩu phục” - ĐB Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: PV

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: PV

Liên quan đến nội dung này, ĐB Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, dẫn thực tế ngành quân đội có những y sĩ xuống giúp dân, có những tài năng khác về KCB trong quân đội.

“Dự luật quy định thi cấp phép hành nghề phải qua Hội đồng Y khoa Quốc gia thẩm định. Nhưng có nhiều cái Hội đồng Y khoa Quốc gia chưa chắc đánh giá được năng lực của lực lượng này” - ĐB Đạo nói và cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề với các y sĩ thì nên giao cho ngành quân đội xác định, đánh giá và cấp giấy phép, bởi họ là những “bác sĩ mang quân hàm xanh”, nhận lệnh đeo ba lô lên đường, có người đi hơn chục xã để KCB cho người dân.

Làm rõ thêm vấn đề thi cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay trên thế giới “có lẽ mỗi Việt Nam là nước duy nhất không thi cấp chứng chỉ hành nghề y”, mà cấp chứng chỉ hành nghề trọn đời. “Chúng ta cứ học xong, rồi thực tập 18 tháng, rồi căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ thì cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường sẽ hành nghề thế nào” - ông Long nói.

Theo ông Long, việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn năm năm, người muốn có chứng chỉ phải trải qua các kỳ thi sẽ đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ hành nghề, cũng khuyến khích các y bác sĩ phải học tập, nâng cao năng lực suốt đời.

Về Hội đồng Y khoa Quốc gia, tổ chức được dự thảo luật giao quyền đánh giá năng lực nghề nghiệp và cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, ông Long cho hay nội dung này được thực hiện có lộ trình. Cụ thể, Hội đồng Y khoa Quốc gia phải xây dựng ngân hàng câu hỏi để đánh giá năng lực của các bác sĩ, còn Bộ Y tế phải xây dựng trung tâm đánh giá năng lực nghề nghiệp tại khu vực.

“Trên cơ sở đó, người hành nghề sẽ tự tham gia các kỳ thi được tổ chức hằng năm. Trên cơ sở điểm thi của người hành nghề, các cơ quan chức năng sẽ cấp chứng chỉ” - ông Long nói và cho hay về lâu dài, Việt Nam cũng sẽ phải áp dụng kinh nghiệm của các nước là các hội nghề nghiệp sẽ là nơi thẩm định, đánh giá năng lực nghề nghiệp của các y bác sĩ và cấp loại chứng chỉ này.

Cần quy định chặt chkhung giá dịch vụ y tế

Về giá dịch vụ KCB, nhiều ĐB Quốc hội cho rằng cần quy định cho phép cơ sở KCB tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ KCB theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân. Bên cạnh đó, cần quy định khung giá dịch vụ KCB tại cơ sở khám bệnh tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.

ĐB Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho hay theo dự luật, giá dịch vụ được cấu thành từ ba nhóm chi phí, trong đó có loại “chi phí khác”.

“Vừa qua, trong xác định giá dịch vụ y tế có nhiều vấn đề. Luật lần này làm sao phải cụ thể hóa càng nhiều càng tốt, để sau này xác định giá sẽ cụ thể hơn. Nếu không sẽ khó xác định “chi phí khác” là chi phí nào” - ĐB Hà nói.

Cũng theo ĐB Hà, dự luật quy định khung giá dịch vụ KCB do bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Nhưng cần quy định chặt chẽ vì trong đó cũng quy định HĐND cấp tỉnh quyết định giá dịch vụ KCB đối với các cơ sở KCB công lập, còn cơ sở tư nhân thì tuân theo Luật Giá. “Các mức giá này không được vượt quá khung giá do bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Nội dung này cần được bổ sung để tránh tình trạng nhiều nơi đưa ra khung giá vượt quá yêu cầu” - ĐB Hà đề nghị.

Về giá dịch vụ KCB, bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Hiện nay chúng ta chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, chúng ta mới chỉ tính 2/4 yếu tố cấu thành giá”.

Nguyên nhân chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là do điều kiện kinh tế - xã hội, do mức đóng bảo hiểm y tế và nhiều yếu tố khác. “Dự luật lần này sẽ đưa vào từng bước để “tính đúng, tính đủ”, cấu thành giá sẽ đưa vào nhiều yếu tố để khuyến khích các cơ sở y tế phát triển hơn chứ không phải là cào bằng” - bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Nhiều nước đã sai khi xã hội hóa y tế, giáo dục

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần phải có cơ chế ứng xử khác nhau giữa các loại hình KCB công lập, tư nhân và xã hội. Về ý kiến cơ sở KCB tư nhân tự định giá dịch vụ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần thận trọng vì kinh nghiệm nhiều nước đã sai khi xã hội hóa y tế, giáo dục quá cao.

“Xã hội hóa cao sinh ra lạm dụng khoa học công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao, vô tình làm giảm hiệu lực, hiệu quả của y tế cơ sở, đẩy hết lên tuyến trên, làm áp lực lên tuyến trên và nếu không thanh tra, kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng sẽ dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực trong KCB” - ông Huệ nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-de-hoi-nghe-nghiep-tham-dinh-giay-phep-hanh-nghe-y-post681872.html