ĐỀ XUẤT ĐỔI TÊN GỌI CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH Ở QUẬN, PHƯỜNG KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN Ở TP HỒ CHÍ MINH LÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về việc có nên giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường không tổ chức Hội đồng Nhân dân là Ủy ban Nhân dân hay đổi tên là Ủy ban hành chính.

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội vừa thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến là có nên giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường không tổ chức Hội đồng Nhân dân là Ủy ban Nhân dân hay đổi tên là Ủy ban hành chính.

Theo như Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Pháp luật thẩm tra trình Quốc hội xem xét thì vẫn giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường không tổ chức Hội đồng Nhân dân là Ủy ban Nhân dân. Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, Ủy ban Nhân dân theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, tính chất, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động so với cơ quan hành chính trong trường hợp không tổ chức Hội đồng Nhân dân. Do đó, loại ý kiến này đề nghị đổi tên gọi của Ủy ban Nhân dân quận, phường trong dự thảo Nghị quyết thành Ủy ban hành chính để phù hợp với tính chất của cơ quan này. Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành việc giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường là Ủy ban Nhân dân để bảo đảm tính ổn định, không làm phát sinh thủ tục, chi phí liên quan đến việc thay đổi tên gọi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đóng góp ý kiến.

Cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tán thành rất nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật, đó là có thể đặt tên khác với Tờ trình của Chính phủ đối với tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường không tổ chức Hội đồng Nhân dân là Ủy ban hành chính. Vì Ủy ban hành chính theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ trình lên Quốc hội khác với Ủy ban nhân dân hoàn toàn về mặt pháp lý, chức năng, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân là nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân và nơi có Hội đồng nhân dân. Đặc biệt, trong Đề án trình thì Ủy ban nhân dân thực hiện theo cơ chế thủ trưởng, mà đã là cơ chế thủ trưởng thì không có việc thay mặt Ủy ban nhân dân để ký tên những văn bản. Nếu là cơ chế thủ trưởng thì chỉ ký tên là Chủ tịch hoặc ký thay Chủ tịch, Phó Chủ tịch ký để tổ chức thực hiện.

Còn Ủy ban nhân dân là cơ chế tập thể, hoạt động hoàn toàn độc lập. Mặc dù đổi tên là Ủy ban hành chính thì sẽ nhiều tốn kém về ngân sách để thay đổi con dấu nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất nên đổi mới tên là Ủy ban hành chính. Để thực hiện được điều này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Ủy ban hành chính là một cơ sở pháp lý chưa có tiền lệ nên cần phải cấp có thẩm quyền đồng ý thì lúc đó chúng ta sẽ thành lập.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Không đồng thuận với đề xuất trên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Cách đây 2 năm, Quốc hội đã đồng thuận cho Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị và đã bàn và thống nhất giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường không tổ chức Hội đồng Nhân dân là Ủy ban Nhân dân, cho nên chúng ta nên dựa theo quyết định này.

Còn nếu bây giờ, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đổi cơ quan hành chính ở quận, phường không tổ chức Hội đồng Nhân dân thành Ủy ban hành chính, còn Hà Nội, Đà Nẵng không gọi như vậy thì không đồng bộ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội vẫn giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh là Ủy ban Nhân dân giữ như đã quyết định cho Hà Nội, Đà Nẵng. Khi Hà Nội, Đà Nẵng sơ kết 3 đến 5 năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì Thành phố Hồ Chí Minh cũng sơ kết, rồi sẽ báo cáo Quốc hội xem xét. Nếu có nội dung nào chưa phù hợp thì chúng ta sẽ kiến nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung cùng với việc đánh giá thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Theo chương trình kỳ họp, dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường vào chiều ngày 12/11/2020 của đợt 2 kỳ họp thứ 10. Theo đó, đợt 2 của kỳ họp, Quốc hội sẽ họp tập trung tại hội trường Diên Hồng bắt đầu từ ngày 02/11/2020 như chương trình đã thông qua./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49546