Đề xuất giao PVN thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo, đề xuất với Thủ tướng việc giao tập đoàn này khảo sát, thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn về giải quyết vướng mắc phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo đó, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo, đề xuất với Thủ tướng việc giao tập đoàn này khảo sát, thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi.

"Từ nay đến 2030 không còn nhiều, việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi rất cần thiết để bảo đảm thực hiện quy hoạch", Phó thủ tướng nêu rõ.

Bộ Công Thương cùng các bộ ngành cũng được giao nghiên cứu các quy định cần sửa tại Luật Điện lực và luật khác liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý cho các dự án năng lượng, gồm điện gió ngoài khơi.

Bộ Công Thương cùng PVN được yêu cầu báo cáo, đề xuất với Thủ tướng việc giao tập đoàn này khảo sát, thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi.

Bộ Công Thương cùng PVN được yêu cầu báo cáo, đề xuất với Thủ tướng việc giao tập đoàn này khảo sát, thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam may mắn sở hữu điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Nơi đây có vận tốc gió lớn hơn các khu vực khác và do đó tạo ra nguồn điện lớn hơn, đồng thời có thể cung cấp giá điện sạch tốt hơn cho người tiêu dùng nhờ nguồn gió ổn định.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều bước tiến.

Hồi tháng 7/2024, Bộ Công Thương đưa ra Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có phương án chọn PVN. Bộ cho rằng một số hạng mục, công trình của loại nguồn điện này tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi, nên PVN có lợi thế về nguồn lực triển khai dự án thí điểm.

Tuy nhiên, trường hợp giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cần đánh giá, điều chỉnh chủ trương lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh của tập đoàn này. Ngoài ra, PVN cũng phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu đặc trưng của ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tăng trưởng nguồn điện phải đạt 10-12% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng Việt Nam cần phải tập trung đầu tư các dự án nguồn điện từ sớm, bảo đảm nhu cầu phát triển trong tương lai. Trong đó, các nguồn ưu tiên gồm năng lượng tái tạo có khả năng làm điện nền như điện gió ngoài khơi, khí LNG. Việc này cũng nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải về 0% vào năm 2050.

Điện gió ngoài khơi được phân bổ theo vùng tại kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Trong đó, Bắc Bộ được phân bổ 2.500 MW, Trung Trung Bộ 500 MW, Nam Trung Bộ 2.000 MW và Nam Bộ 1.000 MW.

Trên thế giới, nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng này hầu hết là các "ông lớn" dầu khí, như Equinor, Shell, Repsol, Total, BP hay Chevron. Ở Đông Nam Á, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) đã lập công ty năng lượng tái tạo Gentari và mua 29,4% cổ phần dự án điện gió ngoài khơi Hải Long tại Đài Loan (Trung Quốc) để phát triển, đầu tư vào loại năng lượng này.

Được biết, một số nhà đầu tư điện gió lớn nước ngoài đã vào Việt Nam từ sớm nhưng rồi lại rời đi. Năm 2023, nhà đầu tư điện gió đến từ Đan Mạch - Orsted rời Việt Nam. Mới đây, Equinor từ Na Uy cũng xác nhận hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Các chuyên gia năng lượng thuộc Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận xét, điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài không còn kiên nhẫn, không nhìn thấy cơ hội rõ rệt tại Việt Nam so với các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên thế giới.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/de-xuat-giao-pvn-thi-diem-lam-du-an-dien-gio-ngoai-khoi-1102741.html