Đề xuất hai phương án về trách nhiệm tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 43, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL.

Về trách nhiệm tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong dự thảo Luật đề xuất 2 phương án:

Phương án thứ nhất là bổ sung trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả các cơ quan của Quốc hội theo hướng quy định khái quát.

Theo đó, đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, UBTVQH sẽ chỉ phân công cơ quan chủ trì thẩm tra; còn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác chủ động tổ chức nghiên cứu để chuẩn bị ý kiến tham gia thẩm tra về những nội dung của dự án liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách, gửi văn bản tham gia thẩm tra và cử đại diện tham dự phiên họp của cơ quan chủ trì thẩm tra.

Phương án này có ưu điểm là bảo đảm sự bình đẳng trong việc thực hiện trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả các cơ quan của Quốc hội nhằm “gác cửa” về những nội dung của dự án có liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách. Quy định như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong việc tham gia thẩm tra, góp phần bảo đảm chất lượng của văn bản.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên thảo luận (ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên thảo luận (ảnh: Quốc hội)

Phương án 2 là bổ sung quy định trách nhiệm của 3 cơ quan gồm Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại trong việc tham gia thẩm tra các vấn đề lồng ghép chính sách dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tính tương thích với các điều ước quốc tế.

Phương án này có ưu điểm là chỉ rõ trách nhiệm của 3 cơ quan nêu trên trong việc tham gia thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, đối với các nội dung thuộc lĩnh vực do các Ủy ban khác phụ trách (như kinh tế, tài chính, ngân sách, phòng, chống tham nhũng, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường…) thì lại không được xử lý đồng bộ, nên không bảo đảm tính toàn diện trong công tác tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chọn Phương án 1.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật giữ như quy định hiện hành, tức Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chỉ đạo việc tiếp thu giải trình và cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan để giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với đề xuất bổ sung quy định cơ quan trình dự án Luật có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để gửi Quốc hội, UBTVQH và cơ quan chủ trì thẩm tra, đề nghị giữ như quy định hiện hành. Trường hợp cơ quan trình có ý kiến khác với giải trình tiếp thu chỉnh lý của UBTVQH thì cơ quan trình có quyền báo cáo với Quốc hội, UBTVQH.

Về trách nhiệm tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: UBTVQH phân công cơ quan chủ trì thẩm tra, các Ủy ban khác tham gia thẩm tra về những nội dung của dự án liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách; với Hội đồng Dân tộc và Ủy ban các vấn đề xã hội cần có quy định riêng về trách nhiệm thẩm tra của hai cơ quan này./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xua-t-hai-phuong-a-n-ve-tra-ch-nhie-m-tham-gia-tham-tra-cua-hoi-dong-dan-toc-cac-uy-ban-cua-quoc-hoi-185214.html