Đề xuất kéo dài thời gian công bố Quy hoạch sử dụng đất
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của dư luận trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về nội dung và thời gian cung cấp thông tin đất đai của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều; trong đó, giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, các ý kiến góp ý tập trung chủ yếu vào 10 nội dung chính. Trong đó, nội dung Chế độ sử dụng các loại đất được góp ý nhiều nhất (trên 1.200 ý kiến); tiếp theo là nội dung Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (990 ý kiến, tương đương12,4%); Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (756 ý kiến, tương đương 9,5%); Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất …
Liên quan đến nội dung quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, một số ý kiến đề nghị làm rõ các khái niệm khi bồi thường, hỗ trợ tái định cư; bổ sung quy định về trình tự thủ tục thu hồi trong trường hợp người sử dụng đất vắng mặt tại địa phương.
Về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, bằng tiền hoặc bằng đất trong cùng nhóm đất với loại đất thu hồi, không bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.
Một trong những điểm đáng chú ý là Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai.
Một số ý kiến lo ngại giá đất và tiền đền bù đất tăng lên khi bỏ quy định về khung giá đất, do vậy, đề nghị cần có những quy định mang tính nguyên tắc về phương pháp xác định giá đất, xây dựng công thức để tính giá đất, các tiêu chí để phân định, xác định quyền và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Liên quan đến quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định thời gian công bố thông tin đất đai là 30 ngày, tăng thêm 15 ngày so với Luật hiện hành; lược bỏ quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho đất đai cho người dân (khoản 4 Điều 28 Luật đất đai 2013). Một số ý kiến cho rằng, điều này không phù hợp và là rào cản đối với người dân khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin liên quan đến đất đai.
Do vậy, nhiều tổ chức, cá nhân đề nghị bổ sung quy định về thời hạn và trách nhiệm tiếp nhận, trả lời yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến đất đai của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức, cá nhân yêu cầu.
Theo tiến độ, ngày 25/3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ được cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề xuất nới thời gian công bố thông tin về đất đai từ 15 ngày lên thành 30 ngày. Đề xuất này có tác động như thế nào đến quyền tiếp cận thông tin đất đai của các tổ chức, cá nhân.
Phóng viên chương trình đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam xung quanh nội dung này:
PV: Theo bà, đề xuất nới thời gian công bố thông tin đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có phù hợp với tình hình hiện nay?
PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Theo Luật công bố thông tin 2016, thời gian công bố chỉ có 5 ngày nhưng đến Luật đất đai vừa rồi quy định là 15 ngày và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề xuất là 30 ngày. Chúng ta thấy mức độ kéo dài thời gian công bố cũng là thời gian để xem xét trong hoàn cảnh, các điều kiện khác nhau. Bởi vì, Quy hoạch sử dụng đất và Kế hoạch sử dụng đất phải được cấp tỉnh thông qua rồi mới triển khai.
Nhưng yêu cầu của chúng ta rất rõ là quy hoạch của cấp trên nó phải thể hiện nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới, nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới phải tuân theo quy hoạch của cấp trên. Chúng ta đều biết, khoảng thời gian quy hoạch là 10 năm và kế hoạch là 5 năm và nó gắn với Chiến lược phát triển kinh tế vùng miền khu vực đó.
Khi mà quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế vùng miền có sự thay đổi, điều chỉnh thì cơ quan có thẩm quyền ban hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thẩm quyền là thay đổi và điều chỉnh quy hoạch. Cho nên với khoảng thời gian 15 ngày hay 30 ngày là ngày ấn định, chúng ta cũng phải xem xét là từng hoàn cảnh, điều kiện ở địa phương.
Bởi vì, có thể là 15 ngày có thể là dài đối với thành phố nhưng mà 30 ngày nhiều khi lại không phù hợp với những nơi mà có điều kiện kinh tế khó khăn với việc tiếp cận thông tin với tiếng nói của các vùng dân tộc. Thế nên, các điều khoản ban hành ra nó phải phù hợp với tất cả các vùng miền để làm sao đó chúng ta quản lý đất đai có hiệu quả.
PV: Bên cạnh quy định về thời hạn công bố thông tin, theo bà cần lưu ý đến nội dung nào?
PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Người dân đều mong đợi, thông tin về đất đai càng đến sớm với người dân thì càng tốt. Nhưng điều quan trọng là công bố, công bố không đầy đủ, công bố không toàn diện nhiều khi nó lại không đáp ứng được thời gian làm 15 hay 30 ngày.
Điều quan trọng nhất là chúng ta làm thế nào để người dân có thể sử dụng được công nghệ để tiếp cận thông tin phục vụ cho lợi ích của mình và những thông tin phản hồi của người dân để minh chứng cho hoạt động quản trị tốt của cơ quan dịch vụ hành chính công ở tất cả các tỉnh, thành.
PV: Vâng. Xin cảm ơn bà!
Quy định thời gian công bố thông tin trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có sự khác nhau. Làm thế nào để dung hòa các quy định này? GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết:
"Luật Tiếp cận thông tin coi như Luật chung, Luật Đất đai là Luật riêng. Vì vậy trong trường hợp Luật riêng quy định, việc áp dụng phải theo Luật riêng. Để có sự thống nhất phải có tài phán giữa 2 luật này, nhưng hiện nay chúng ta chưa có thì vẫn theo Luật Đất đai. Tôi đồng ý với quy định thời hạn công bố thông tin đất đai là 15 ngày theo cái chung. Càng cung cấp sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu và khỏa lấp tình trạng đầu cơ tích trữ.
Chủ trương công bố thông tin là chủ trương rất đúng, làm sao phải đưa đến cho người dân, từng người một hiện diện ở mảnh đất đó phải biết được. Người dân phải biết cái quy hoạch có phải là đất đô thị hay không, đất ở hay là đất ruộng, tương lai của nó như thế nào? Hôm nay tôi bán mảnh đất ruộng nhưng ngày mai, đó trở thành đô thị giá đất lại khác.
Như vậy, các cơ quan Nhà nước làm ra cái dự thảo đất đó trở thành đô thị phải thông báo cho người dân, các thông tin này không giản đơn chỉ tỉnh, huyện công bố mà ngay cả thôn, xã, làng, bản, ấp cũng phải thực hiện công bố, người dân mới biết được".
Để khắc phục những bất cập hiện nay trong việc công bố thông tin, phát biểu tại một hội thảo mới đây, bà Hoàng Thị Vân Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Tổng cục đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường nêu ý kiến:
"Để có cơ sở cho cấp dưới lập quy hoạch, kế hoạch khi chưa có quy hoạch cấp trên, thì quy định chặt chẽ thời điểm phê duyệt ở mỗi cấp: quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch cấp huyện. Bởi vì, nó có độ trễ trong phê duyệt. Tôi nghĩ cái đấy cũng phải tính toán để có cái căn cứ.
Thứ nữa, để công bố công khai đầy đủ thông tin, cũng cần có căn cứ pháp lý về quy định rõ nội dung công bố. Hiện luật mới chỉ quy định công bố đầy đủ nội dung quy hoạch, chứ chưa nói cụ thể là nội dung gì, kể cả bảng giá đất. Trong Dự thảo Luật cũng cần quy định rõ ràng hơn những tài liệu công bố".
Theo một báo cáo nghiên cứu mới đây, chỉ có 65% UBND tỉnh công bố bảng giá đất và gần 49% UBND cấp huyện công bố công khai thông quy hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin. Trong số 385 UBND cấp huyện, có gần 50% trong số này cung cấp đầy đủ 3 văn bản liên quan đến quy hoạch sử dụng đất.
Việc chậm công bố thông tin về quy hoạch, kế hoạch và bảng giá sử dụng đất đai khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong xác minh thông tin, lựa chọn thời điểm mua bán phù hợp, phần nào gây ra tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai./.