Đề xuất lập trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý

Để hạn chế tình trạng cấu kết của môi giới gây nhiễu loạn thị trường nhà ở, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý.

 Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý. Ảnh: Như Ý.

Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý. Ảnh: Như Ý.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý. Đồng thời, Bộ cho rằng cần tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá nhà ở thương mại tại một số đô thị tăng cao trong thời gian qua. Một phần nguyên nhân đến từ chiêu trò "thổi giá" của không ít cá nhân, tổ chức hoạt động trong mảng môi giới bất động sản.

Cụ thể, Bộ Xây dựng chỉ rõ có hiện tượng các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, yếu kém về đạo đức kinh doanh đã làm ăn chộp giật, thông đồng làm giá, "thổi giá" bất động sản lên cao so với giá trị thực tế.

Tình trạng này xuất hiện ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Ở thị trường sơ cấp, cơ bản chủ đầu tư các dự án nhà ở dành trung bình khoảng 3% giá bán để trả cho sàn giao dịch, môi giới để bán hàng. Tuy nhiên, bên sàn giao dịch, môi giới thường lựa theo tình hình thị trường để cộng thêm giá khi giao dịch với khách hàng.

Các dự án có ít sản phẩm mà nhiều khách hàng quan tâm, người mua thường phải trả thêm tiền so với giá trong hợp đồng ký kết với chủ đầu tư gọi là “tiền chênh”. Số “tiền chênh” này không cố định mà tùy thuộc vào sức "nóng" của thị trường, của dự án và thỏa thuận của bên môi giới với khách hàng, có thể ở mức 5% giá bán, thậm chí 10% hoặc 20%.

Ví dụ, một dự án nhà ở thấp tầng ở tỉnh Hưng Yên, các căn nhà bán ra với giá khoảng 7-8 tỷ đồng/căn thì khách hàng phải trả khoản tiền chênh trung bình 750 triệu tương đương 10%. Đến khi dự án hạ nhiệt, “tiền chênh” này giảm xuống còn khoảng 250 triệu đồng thậm chí nhiều sàn chấp nhận bán không có “tiền chênh”.

Tại thị trường thứ cấp, giá bán cũng bị đẩy lên do hoạt động môi giới, trung gian. Thông thường, bên bán phải chỉ 1% giá bán cho bên môi giới. Tuy nhiên, khi thị trường "sốt nóng", môi giới thường cộng thêm “tiền chênh” để giao dịch với khách hàng. Một căn hộ chung cư giá bán khoảng 5 tỷ đồng, môi giới có thể “gửi giá” khoảng 200-300 triệu đồng tương đương 5%; một căn nhà liền kề giá khoảng 10 tỷ đồng, môi giới có thể gửi giá khoảng 500 triệu đồng tương đương 5% giá bán.

Trong giai đoạn "sốt nóng" của thị trường, nhiều môi giới còn sử dụng cách "đặt cọc" để mua nhà, đất của người bán rồi tăng giá 10-15% và sau đó bán cho người khác. Ví dụ căn hộ chung cư có giá bán 5 tỷ đồng, bên môi giới đặt cọc 1 tỷ đồng để mua và thỏa thuận thanh toán trong 1 tháng. Trong 1 tháng này, bên môi giới sẽ kiếm khách để bán chênh thành 6-7 tỷ đồng.

Tình trạng này được Bộ Xây dựng đánh giá là làm tăng mặt bằng giá bất động sản, thao túng thị trường, gây thiệt hại kinh tế cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://znews.vn/de-xuat-lap-trung-tam-giao-dich-bat-dong-san-do-nha-nuoc-quan-ly-post1500224.html