Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên chưa phù hợp
Nhiều nhà giáo đánh giá cao sự hỗ trợ của lãnh đạo ngành đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, nhưng không ít người chưa đồng tình với đề xuất...
Dự thảo Luật Nhà giáo có 5 chính sách quan trọng, gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ cấp học mầm non tới đại học. Căn cứ độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, mức chi miễn học phí cho con giáo viên dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Sau khi thông tin này được cơ quan truyền thông đăng tải, dư luận xã hội có nhiều tranh luận, ý kiến về vấn đề này.
Cựu giáo viên Phan Văn Được (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết: "Điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí thể hiện sự quan tâm đến đời sống nhà giáo của các cấp lãnh đạo, giúp giáo viên yên tâm công tác. Dù vậy, theo tôi, đề xuất này chưa phù hợp, bởi mức thu nhập của giáo viên hiện nay vẫn đủ điều kiện lo cho con của mình và chăm lo được đời sống. Nhiều người so sánh và đặt câu hỏi tại sao miễn giảm cho con giáo viên mà không thực hiện đối với con em người lao động, ngành nghề khác. Hàng năm, công đoàn các đơn vị vẫn kêu gọi sự ủng hộ hoàn cảnh cần giúp đỡ, kể cả con giáo viên. Chính sách này chỉ nên áp dụng đối với nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập. Chính sách miễn giảm cần hướng tới sự công bằng, khả thi".
Cô Lê T.H, giáo viên một trường THCS cho biết: "Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ bậc mầm non đến đại học nhằm thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến nhà giáo. Tuy nhiên, nghề giáo không nên có đặc quyền, đặc lợi mà hãy bình đẳng như các ngành nghề khác. Hãy quy định miễn học phí cho con nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em mồ côi, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật...; rồi sau đó mở rộng đối tượng miễn giảm học phí. Điều quan trọng hơn là làm sao để toàn dân được đi học, mà không phải đóng học phí, học phí càng thấp càng tốt, chứ không miễn cho đối tượng này, đối tượng khác nữa. Là một giáo viên có con đi học, tôi không đồng tình với đề xuất trên, dù đó là một đề xuất nhân văn".
Bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) thông tin, đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo là sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với đời sống của đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, chính sách này cần phải công bằng và phù hợp với bản chất của nghề giáo. Chính sách hỗ trợ cho giáo viên cũng cần được thiết kế theo hướng riêng, phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục. Nhiều giáo viên từ chối và không ủng hộ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo, vì điều này chưa thấu tình, đạt lý và chưa đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nghề giáo. Việc miễn học phí tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục. “Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy và chịu trách nhiệm về việc học của tất cả học sinh, không chỉ riêng con em của mình. Nếu chính sách này được áp dụng là không công bằng đối với những học sinh khác. Môi trường giáo dục đều bảo đảm sự bình đẳng, việc ưu tiên cho con giáo viên sẽ tạo sự phân biệt không cần thiết giữa các học sinh” - TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.
Theo dự thảo, chính sách này không phục vụ cho tất cả nhà giáo, mà chỉ dành cho những người có con đang đi học, gây ra sự không đồng đều giữa các giáo viên và giữa các trường học. Các ý kiến cho rằng, không phải giáo viên nào cũng có con trong độ tuổi đi học và chỉ thực hiện trong giai đoạn nhất định. Thay vì thực hiện chính sách, cần có những biện pháp bền vững hơn chăm lo cho giáo viên. Trong đó, tập trung việc nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên, vì "thầy giỏi thì trò mới hay". Việc phát triển năng lực của đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sự phát triển bền vững của giáo dục.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thông tin, sau khi nhận được góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo, ngày 8/10, Bộ GD&ĐT rút đề xuất miễn học phí cho con giáo viên. Việc rút đề xuất này được Bộ GD&ĐT xem xét dựa trên nguyện vọng của giáo viên, chuyên gia và dư luận xã hội.