Đề xuất mới: Trừ toàn bộ 12 điểm bằng lái với tài xế vi phạm nồng độ cồn

Đối với xe ô tô, dự thảo lần 4 đề xuất mức trừ 12 điểm giấy phép lái xe đối với tài xế điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức kịch khung.

Bộ Công an vừa có dự thảo lần 4 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Đáng chú ý, trong dự thảo mới nhất, cơ quan soạn thảo đề xuất áp dụng chế tài phạt tiền như hiện hành, song đưa ra nhiều nội dung mới liên quan đến chế tài về trừ điểm bằng lái đối với người điều khiển ô tô, xe máy mà có hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Mức phạt đối với tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn hiện nay cao nhất là 40 triệu (ảnh minh họa).

Mức phạt đối với tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn hiện nay cao nhất là 40 triệu (ảnh minh họa).

Theo đó, đối với xe ô tô, dự thảo lần 4 đề xuất giữ nguyên mức trừ 12 điểm GPLX (so với dự thảo lần 3) đối với tài xế điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Mức trừ 12 điểm cũng được áp dụng nếu tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Đặc biệt, dự thảo lần 4 đề xuất trừ toàn bộ điểm bằng lái xe nếu tài xế ô tô tái phạm hoặc vi phạm nồng độ cồn nhiều lần ở mức 2 và 3, gồm: Vi phạm độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đây là điểm mới so với dự thảo trước đó.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự, dự thảo đề xuất trừ 12 điểm GPLX nếu vi phạm các lỗi sau:

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn hoặc chất ma túy, các chất kích thích khác của người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, tài xế xe máy mà tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần các hành vi sau cũng bị trừ hết điểm bằng lái xe: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hiện nay, các thủ tục tạm giữ hay tước giấy tờ của người lái xe đều đã thực hiện trên VNeID.

Hiện nay, các thủ tục tạm giữ hay tước giấy tờ của người lái xe đều đã thực hiện trên VNeID.

Lý giải về những đề xuất mới nêu trên, theo Ban soạn thảo, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm TTATGTđường bộ. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và giảm liên tiếp trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT đường bộ vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT vẫn diễn ra phổ biến; vi phạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp.

Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại hình phương tiện giao thông đường bộ mới được đưa vào sử dụng nên cần phải có quy định bao quát, đầy đủ hơn.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-moi-tru-toan-bo-12-diem-bang-lai-voi-tai-xe-vi-pham-nong-do-con-192241025094744522.htm