ĐỀ XUẤT NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH CHO HĐND CÁC CẤP THÔNG QUA XEM XÉT BIÊN CHẾ Ở ĐỊA PHƯƠNG

Tại Phiên họp thứ 51, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân thông qua giao cho địa phương tự xem xét, cân đối biên chế. Tổng số biên chế của Hội đồng Nhân dân lấy trong tổng số biên chế của địa phương đã được cấp có thẩm quyền giao.

Thực hiện Phiên họp thứ 51, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến là nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp thông qua xem xét biên chế ở địa phương và số lượng đại biểu chuyên trách cho Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.

Đề cập Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ: Vấn đề tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng Nhân dân có tầm quan trọng không chỉ quyết định chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử ở địa phương mà còn là yếu tố nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp. Các tiêu chuẩn đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng Nhân dân có liên quan chặt chẽ với vấn đề cơ cấu đại biểu. Trên cơ sở tiêu chuẩn, cần phải có cơ cấu hợp lý để đảm bảo tính đại diện trong cơ quan dân cử, tiêu biểu cho trí tuệ và sự đoàn kết của toàn dân tộc, phù hợp với sự phân bố dân cư, dân tộc, giới tính, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Do đó, việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp có vai trò quan trọng trong công tác tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, sự phân công của Hội đồng bầu cử quốc gia, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết.

Tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu quan điểm: Hiện nay, nhiều nơi cứ nói nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp nhưng biên chế của cán bộ, công chức ở Hội đồng nhân dân các cấp đều nằm trong tổng biên chế của các địa phương đã được cấp có thẩm quyền thông báo giao. Nếu giả sử muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân mà không cấp đủ số lượng người chuyên trách để phù hợp thì rất khó thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, nếu hiện nay, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Hội đồng nhân dân các cấp cứ tính theo Chủ tịch, số lượng Phó Chủ tịch và các ban thì chỉ có bộ máy khung thôi, còn muốn nâng cao chất lượng hoạt động thì phải có một số đại biểu hoạt động chuyên trách. Việc xác định tinh giản biên chế phải hợp lý với thực tế hoạt động, số đại biểu ở Hội đồng Nhân dân, chứ không phải cứ yêu cầu tinh giản là thực hiện.

Hiện nay, 3 thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều đề xuất nên có cơ chế để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp thông qua giao cho địa phương tự xem xét, cân đối để có thêm đại biểu hoạt động chuyên trách. Tổng số biên chế của Hội đồng Nhân dân lấy trong tổng số biên chế của địa phương đã được cấp có thẩm quyền giao điều hòa, chứ không làm tăng biên chế. Với quan điểm và cách tiếp cận như vậy rất phù hợp, đáp ứng được đúng chủ trương của Đảng và phù hợp với pháp luật hiện hành để địa phương được chủ động về nhân sự.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân, nhất là đối với 3 thành phố khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận và phường thì trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân ở trên thành phố là rất lớn. Vì vậy, mong các đồng chí lãnh đạo Quốc hội quan tâm, có chỉ đạo. Sau phiên họp này, trên cơ sở ý kiến kết luận của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Bộ Nội vụ sẽ cùng với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu để hoàn thiện lại dự thảo.

Cần xác định đại biểu chuyên trách cho Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội

Cho ý kiến về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây là nội dung đã được luật quy định nhưng vẫn cần được cụ thể và làm rõ thêm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lấy ví dụ, qua phản ánh của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, nhiều người còn băn khoăn về việc xác định số lượng đại biểu chuyên trách. Hiện nay, Hà Nội có tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách là 18 người (bao gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân, 4 Trưởng ban, 8 Phó trưởng ban và các ủy viên chuyên trách của Ban Hội đồng Nhân dân thành phố). Với số lượng này, nhiệm kỳ qua, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã triển khai tốt và hiệu quả, được ghi nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo quy định mới, số lượng đại biểu sẽ giảm gần nửa trong nhiệm kỳ tới. Mặt khác, Hà Nội đang thí điểm tổ chức mô hình Chính quyền đô thị, một số cơ chế chính sách tài chính, ngân sách đặc thù với thành phố. Cho nên, Hội đồng Nhân dân thành phố phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, nhiều hơn so với nhiệm kỳ trước. Mặc dù có điểm khác so với Thành phố Hồ Chí Minh nhưng theo dự thảo thì Thành phố Hồ Chí Minh có thể có tối đa 19 ủy viên hoạt động chuyên trách nên sẽ mất cân đối giữa 2 thành phố.

Từ bất cập trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị trước mắt nếu Hà Nội không tăng số lượng đại biểu chuyên trách thì phải có cơ chế để giữ được tối đa là 18 đại biểu chuyên trách cho Hội đồng Nhân dân thành phố. Ở cấp quận, huyện cũng phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách cho các cấp này. Ngoài ra, hiện nay không quy định ủy viên chuyên trách là đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách. Vấn đề này cần làm rõ thêm để địa phương mới có cơ sở để thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.

Về vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: Đối với Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, trong Nghị quyết của Quốc hội có đề cập là tăng thêm đại biểu chuyên trách. Riêng Thành phố Hà Nội, dự thảo Nghị quyết không đặt tăng thêm đại biểu chuyên trách. Được biết, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Nội vụ nhưng nội dung này, Bộ Nội vụ chưa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật cũng chưa thẩm tra. Do đó, đề xuất của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội cần được xem xét để đưa vào Nghị quyết sao cho đúng cơ sở thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đóng góp ý kiến.

Giải trình ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm rõ hơn về đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách đối với 3 thành phố thực hiện Chính quyền đô thị là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, đối với Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, trong Nghị quyết của Quốc hội có đề cập là tăng thêm đại biểu chuyên trách. Riêng Thành phố Hà Nội, dự thảo Nghị quyết không đặt tăng thêm đại biểu chuyên trách. Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định số lượng đại biểu chuyên trách cho Thành phố Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Hà Nội sẽ không tổ chức chính quyền ở cấp phường nên nếu có tăng đại biểu chuyên trách thì nên tăng ở cấp quận. Còn đại biểu ở cấp thành phố vẫn hoạt động bình thường như các tỉnh khác. Về số đại biểu Hội đồng Nhân dân, hiện nay trong luật không có quy định đại biểu giữ chức vụ ở các Ban của Hội đồng Nhân dân thì không hoạt động chuyên trách. Vì vậy, nên tăng số đại biểu chuyên trách cho Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khẳng định: Việc cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hiện vẫn còn những quy định chưa rõ ràng về một số vấn đề liên qua đến cơ cấu, số lượng đại biểu chuyên trách, bầu cử ở Hội đồng Nhân dân các cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.

Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hiện nay, chúng ta đã có 2 nghị quyết của Quốc hội cho thí điểm và Nghị quyết 131 của Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách vẫn còn có ý kiến khác nhau, đề nghị các cơ quan rà soát, nghiên cứu lại để báo cáo Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, cần xác định cơ quan nào có thẩm quyền quyết định số lượng ủy viên chuyên trách của các ban.

Về cơ cấu thành phần, bao nhiêu phần trăm tỷ lệ đại biểu là nữ, bao nhiêu phần trăm người dân tộc, bao nhiêu ngoài Đảng, đề nghị theo quy định của Đảng và hướng dẫn đúng theo quy định của luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các Ủy ban của Quốc hội cần phối hợp với các Bộ ngành liên quan lắng nghe ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong Phiên họp tới./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=50733