Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân: Chưa áp dụng đã lỗi thời!

Cuối tuần trước, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), theo đó đề xuất nâng mức giảm trừ đối với cá nhân người nộp thuế lên 11 triệu đồng, với mỗi người phụ thuộc lên 4,4 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức đề xuất của Bộ Tài chính chưa đi vào thực tế đã lạc hậu.

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính) cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính “chưa áp dụng đã lỗi thời”.

- Thứ nhất, lẽ ra Bộ Tài chính cần nghiên cứu và lấy ý kiến sớm hơn về dự thảo Nghị quyết về mức giảm trừ gia cảnh. Tại sao đến cuối tháng 2-2020 mới đề xuất mức giảm trừ gia cảnh mới, dù cuối tháng 12-2019, CPI đã tăng hơn 23% rồi?

Trong khi đó, theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật, sớm nhất cũng phải sang quý 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới họp, quyết định và ban hành Nghị quyết này. Dù mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng cho kỳ tính thuế của năm nay, nhưng hằng tháng đơn vị chi trả thu nhập vẫn tạm khấu trừ thu nhập của người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo mức hiện hành.

Điều này sẽ gây thiệt thòi cho người lao động, vì phải đợi đến tháng 3 năm sau mới được hoàn lại tiền thuế.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

- Mức giảm trừ gia cảnh như đề xuất của Bộ Tài chính, lên 11 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc, tăng tương ứng mức tăng của CPI tính đến cuối năm 2019, theo ông có phù hợp?

- Theo tôi, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển của nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng phải tăng lên.

Từ 1/7/2013 đến nay là gàn 7 năm rồi, đời sống của người dân cũng nâng lên rất nhiều, nhu cầu về vật chất và tinh thần cao hơn nhiều. Chẳng hạn trước kia các bạn không cần son phấn, bây giờ thì phải có son phấn; hay người ta cũng phải đi du lịch, thưởng thức âm nhạc, văn hóa…

Rồi trước kia bạn mua cái túi giá 1 triệu, bây giờ giá tăng 20% thì giá cái túi đó là 1,2 triệu. Nhưng bên cạnh đó cái túi cũ lại lỗi mốt rồi, người ta không bán nó nữa mà ra cái túi mới, đắt hơn 10% nữa, thì mua cái túi bây giờ phải 1,3 triệu chứ không phải 1,2 triệu. Cho nên tôi mới nói, chỉ số giá tiêu dùng chỉ là một căn cứ thôi, Bộ Tài chính cần phải tính toán trên nhiều phượng diện nữa.

- Mức giảm trừ gia cảnh hiện đang áp dụng và mức đề xuất của Bộ Tài chính đều áp dụng chung cho mọi đối tượng lao động, theo ông như vậy có phải là “cào bằng”?

- Đúng vậy, mức đồng đều, cào bằng như trên là không nên. Nói ví dụ thế này, bạn có 1 triệu đồng ở miền núi chi tiêu sẽ được nhiều hơn so với 1 triệu đồng ở thành phố. Hay bạn thuê nhà trọ hay mua một căn hộ ở trên miền núi giá sẽ thấp hơn nhiều so với ở thành phố.

Cho nên theo tôi thì không nên cào bằng. Thí dụ ở Singapore, họ chia thành từng khu vực để áp dụng mức giảm trừ khác nhau. Ở các thành phố lớn mức tiêu dùng sinh hoạt cao hơn thì mức giảm trừ theo tôi cũng cần phải cao hơn.

- Có quan điểm cho rằng mức giảm trừ gia cảnh không nên cứng nhắc mà phải căn cứ vào thực tế chi tiêu của người dân. Chẳng hạn học phí của con, tiền khám chữa bệnh, nếu có hóa đơn chứng từ thì những chi phí đó sẽ được tính vào giảm trừ gia cảnh. Quan điểm của ông về đề xuất này?

- Tôi không đồng tình với quan điểm trên. Ví dụ ông nhà giàu, ông cho con đi học trường quốc tế, đi bệnh viện quốc tế, xong ông tính chi phí đó vào giảm trừ là không được, không công bằng với những người có điều kiện thấp hơn… Khi xây dựng luật là phải đòi hỏi sự công bằng, ông giàu, nghèo như nhau, không thể ông nhiều tiền, tiêu nhiều thì lại hưởng ưu ái hơn.

- Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức đề xuất trên thì dự kiến sẽ giảm thu NSNN xuống còn khoảng 68.921 tỷ đồng, tương ứng số thu về thuế TNCN 1 năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng (13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019). Điều này có đáng lo, thưa ông?

- Bộ Tài chính tính toán thất thu ngân sách bao nhiêu, theo tôi cũng không hợp lý. Vì ngoài thuế TNCN ra còn thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt... Giảm thuế sẽ kích thích người ta tiêu dùng nhiều, mà tiêu dùng nhiều thì đóng thuế càng nhiều. Doanh nghiệp bán được nhiều hàng thì thuế TNDN cũng tăng.

Cho nên một nguyên lý ngành thuế, muốn thu được thuế phải nuôi dưỡng nguồn thu, không được tận thu.

Ngoài ra, quy định người nhà có thu nhập thường xuyên trên 1 triệu đồng trở lên không được tính giảm trừ gia cảnh tôi cho là cũng không phù hợp.

Cái nữa là ở nhiều nước, những người đã về hưu người ta vẫn còn sức lao động, vẫn phục vụ xã hội thì nên khuyến khích, miễn thuế TNCN hoặc tính một mức thấp hơn.

- Vậy theo ông, tính toán mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN như thế nào là hợp lý?

Cách tính toán, khấu trừ theo tôi còn nhiều vấn đề, nhưng ở đây tôi không nói khía cạnh kỹ thuật mà nói mặt bằng chung là những vấn đề nêu trên. Còn giảm trừ bao nhiêu là hợp lý thì phải đưa ra phải căn cứ, không thể theo cảm tính.

- Cảm ơn ông!

Theo phương án được Bộ Tài chính đưa ra, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được tăng tương ứng mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 01/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Tương ứng, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ lên mức 11 triệu đồng/tháng (1,232 x 9 triệu đồng = 11,088 triệu đồng, làm tròn 11 triệu đồng); mức giảm trừ tương ứng cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng (1,232 x 3,6 triệu đồng = 4,4352 triệu đồng, làm tròn 4,4 triệu đồng).

Bộ Tài chính đề xuất, mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN sẽ tăng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/de-xuat-nang-muc-giam-tru-gia-canh-thue-thu-nhap-ca-nhan-chua-ap-dung-da-loi-thoi/844980.antd