Đề xuất nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40%

Trong phiên họp thứ 45, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Báo cáo về các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 8 nội dung tại 10 điều, khoản.

Cụ thể, các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung về: Tiêu chuẩn một quốc tịch đối với ĐBQH; việc quyết định số lượng và phê chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; việc tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách; không quy định hình thức văn bản kết luận của UBTVQH trong Luật; đổi tên 02 Ủy ban của Quốc hội; không quy định số lượng cấp phó cụ thể tại Hội đồng và từng Ủy ban; bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (ảnh: Quốc hội)

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ý kiến của nhiều ĐBQH và Đoàn ĐBQH thống nhất với phần lớn các nội dung mà UBTVQH đã có báo cáo giải trình.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, vẫn còn một số ý kiến tiếp tục đề nghị cần mở rộng phạm vi sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Quốc hội và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10. Nhiều ý kiến vẫn đề nghị quy định cụ thể hơn về địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH theo hướng đây là một cơ quan của Quốc hội, là cánh tay nối dài của Quốc hội.

Về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, Dự luật đã được chỉnh lý theo hướng nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trong những nhiệm kỳ qua, đặc biệt là nhiệm kỳ Khóa XIV, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm quy hoạch, bố trí, giới thiệu cán bộ ứng cử ĐBQH nhưng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách cũng chỉ mới đạt 34,5% tổng số ĐBQH. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật, các cấp, các ngành phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử ĐBQH để hoạt động chuyên trách, bảo đảm chất lượng, đồng thời quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bầu cử.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với các nội dung của Báo cáo của Ủy ban Pháp luật, đặc biệt là các nội dung về ĐBQH hoạt động chuyên trách; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; việc tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách...

Về việc chuyển các Ban thuộc UBTVQH thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì chưa nên đặt vấn đề chuyển các Ban thành cơ quan thuộc Quốc hội.

Do đó, đề nghị cho tiếp tục giữ vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc UBTVQH như hiện nay. Một số ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm nội dung bản lĩnh chính trị, phẩm chất chính trị vào về tiêu chuẩn của của ĐBQH.

Theo dự kiến chương trình, Dự án Luật này sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 chuẩn bị khai mạc trong tháng 5 này.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-nang-ty-le-dai-bieu-quoc-hoi-hoat-dong-chuyen-trach-len-it-nhat-40-193444.html