ĐỀ XUẤT PHẢI QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều lãnh đạo các đơn vị đề xuất, trong nhiệm kỳ tới, phải thực hiện quyết liệt việc triển khai Đề án Quốc hội điện tử không chỉ ở tầm vĩ mô mà còn phải được thực hiện tại các cơ quan của Quốc hội, các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đến dự và chỉ đạo Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội, Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội với nhiều cải tiến, đổi mới được đề xuất và thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đặc biệt tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, tham mưu tổ chức kỳ họp thành 2 đợt, kết hợp họp trực tuyến với họp tập trung, thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn, đạt kết quả tốt, thể hiện sự linh hoạt, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong hoạt động của Quốc hội, được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu và chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội đã lãnh đạo việc tham mưu, phục vụ hoạt động đối ngoại của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, để lại nhiều dấu ấn với bạn bè quốc tế, nhất là việc tổ chức thành công nhiều sự kiện ngoại giao nghị viện quan trọng, điển hình là Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) đầu năm 2018, cũng như tích cực chuẩn bị để Quốc hội Việt Nam tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) theo hình thức hội nghị trực tuyến vào đầu tháng 9 tới đây.

Tiếp nhận nội dung trên, tại Đại hội, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Hành chính Đỗ Thị Thanh cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội, trong những năm vừa qua, Chi ủy Chi bộ Vụ Hành chính luôn chú trọng đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào trong sinh hoạt Chi bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.

Từ những kết quả đạt được, Vụ Hành chính nhận thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải khơi dậy từ trong tâm của mỗi đảng viên tính tự giác, tự nguyện, phải chuyển từ trong nhận thức để chuyển hóa trong hành động của từng đảng viên. Có như vậy, việc học tập và làm theo Bác mới không hình thức, gò ép và mang lại hiệu quả. Việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí phải luôn được thực hiện thường xuyên và gắn với nhiệm vụ của từng đảng viên. Gắn nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng đảng viên giúp cho đảng viên thấy được trách nhiệm của bản thân cũng như thấy được hiệu quả việc mình làm.

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Hành chính Đỗ Thị Thanh phát biểu tại Đại hội.

Để đạt được hiệu quả trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ dừng lại ở việc giáo dục tư tưởng mà cần có những hình thức khen thưởng và chế tài xử lý đối với tập thể, cá nhân có thành tích hoặc vi phạm việc lãng phí tài sản công của cơ quan. Từ thực tiễn tổ chức Kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XIV và những phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng ta đã thực hiện rất thành công việc tổ chức kỳ họp, phiên họp không phát hành văn bản giấy. Nếu chỉ tính riêng về mặt tiết kiệm giấy in, một kỳ họp không phát hành văn bản giấy đã tiết kiệm được 1/2 số lượng giấy, mực in so với kỳ họp phát hành văn bản giấy...

Tuy nhiên, có một thực tế là trong quy trình nội bộ các Vụ, đơn vị, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thực hiện soạn thảo, ban hành, xử lý văn bản và giao việc chưa được thực hiện theo quy trình điện tử. Do vậy, còn tốn nhiều thời gian, công sức, văn phòng phẩm, chi phí phát hành văn bản.

Trước bất cập trên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Hành chính Đỗ Thị Thanh nêu ý kiến: Nếu tất cả cơ quan trong hệ thống của Quốc hội, các Vụ, đơn vị cũng thực hiện không phát hành văn bản giấy thì chỉ tính riêng con số tiết kiệm về giấy in sẽ được nhân lên rất nhiều lần. Do vậy, Vụ Hành chính đề nghị trong nhiệm kỳ tới, phải thực hiện quyết liệt việc triển khai Đề án Quốc hội điện tử không chỉ ở tầm vĩ mô (tức là tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) mà còn phải được thực hiện tại các cơ quan của Quốc hội, các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, tiến tới không ban hành văn bản giấy trong hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Hành chính Đỗ Thị Thanh cho rằng, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; sự chủ động tham gia của người đứng đầu các Vụ, đơn vị và từng đảng viên, công chức. Có như vậy chúng ta mới thực hiện được một Quốc hội điện tử thực sự, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo: Quốc hội không đi sau, mà sẽ thực hiện Quốc hội điện tử song song với Chính phủ điện tử.

Khẩn trương xây dựng và ban hành Khung kiến trúc Quốc hội điện tử

Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua đã được Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội coi là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên quan tâm chỉ đạo Văn phòng Quốc hội nhanh chóng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ, phục vụ các hoạt động của Quốc hội.

Là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin có chức năng nghiên cứu, tham mưu, quản lý và tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, Chi bộ Trung tâm Tin học đã lãnh đạo công chức, người lao động trong đơn vị cố gắng hoàn thành tốt công tác tham mưu, tổ chức triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phục vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ của cơ quan.

Đại hội Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Tin học Lê Hoàng Hải cho biết: Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội đã tổ chức thành công 18 phiên họp trực tuyến cho đợt 1 của kỳ họp, với điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng và 63 điểm cầu tại các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Có được những thành công trên đây là kết quả từ sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ đảng viên trong toàn cơ quan Văn phòng Quốc hội nói chung và đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng hết mình vì công việc của tập thể cán bộ đảng viên và các quần chúng trong Trung tâm Tin học.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thời gian tới, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Tin học Lê Hoàng Hải nêu quan điểm: Cần có quyết tâm chính trị cao từ Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội, bên cạnh đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và sự chủ động tham gia tích cực của toàn bộ công chức, người lao động trong Văn phòng Quốc hội, nhất là của người đứng đầu các đơn vị trong cơ quan. Đồng thời phải giải quyết một số vấn đề rất cấp thiết trong thời gian tới.

Thứ nhất, khẩn trương xây dựng và ban hành Khung kiến trúc Quốc hội điện tử làm cơ sở cho việc đầu tư đồng bộ, xây dựng Quốc hội điện tử có hiệu quả theo chủ trương Xây dựng Quốc hội điện tử đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tại phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, đầu tư xây dựng hệ thống Cổng thông tin nội bộ Intranet với phần mềm lõi trên cùng một nền tảng, tích hợp và xây dựng mới các cơ sở dữ liệu dùng chung, xây dựng các phần mềm nghiệp vụ của các đơn vị phù hợp nền tảng chung và tích hợp với Cổng thông tin nội bộ Intranet; tạo không gian môi trường làm việc số, tăng cường khả năng khai thác, sử dụng một cách hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung không chỉ trên các máy tính mà có thể từ điện thoại thông minh và các thiết bị di động.

Thứ ba, tăng cường công tác đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh thông tin cho hệ thống công nghệ thông tin của Văn phòng Quốc hội bằng các giải pháp bảo mật đồng bộ và các tiêu chuẩn quản lý an toàn thông theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ.

Thứ tư, tăng cường triển khai thử nghiệm và thuê các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để có thể ứng dụng được các công nghệ mới nhất phục vụ hoạt động của Quốc hội đồng thời giảm bớt gánh nặng về nguồn nhân lực có trình độ cao trong việc nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin theo xu thế phát triển chung.

Thứ năm, tăng cường nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin để đảm bảo việc quản trị và vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại Văn phòng Quốc hội.

Với những đề xuất trên, hy vọng việc mở rộng Quốc hội điện tử tới từng kỳ họp, phiên họp sẽ góp phần không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-van-phong-quoc-hoi.aspx?itemid=47845