Đề xuất Sở Giao dịch hàng hóa có vốn từ 1.000 tỷ đồng, được nhiều Bộ ngành thẩm định

Sở giao dịch hàng hóa được xem xét thành lập nếu vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu hoặc vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Bộ Công Thương vừa có Dự thảo lần 2 Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Theo Bộ Công Thương, mục tiêu để xây dựng Nghị định là khuyến khích hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa để phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa.

Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch lúa gạo.

Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch lúa gạo.

Thúc đẩy sự phát triển thị trường hàng hóa tương lai có tài sản cơ sở là nông sản nhằm định hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản chất lượng đạt tiêu chuẩn, là kênh tiêu thụ mới của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Nghị định sẽ quản lý các hoạt động như tổ chức thị trường hàng hóa tương lai, giao nhận hàng hóa là tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai, môi giới giao dịch hàng hóa tương lai, cung cấp dịch vụ tư vấn kinh doanh hàng hóa tương lai…

Hiện, thẩm quyền và trình tự, thủ tục cấp phép thành lập hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa; phê chuẩn Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi thành, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa; phê chuẩn Điều lệ hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định thành lập Sở giao dịch hàng hóa.

Hội đồng có đại diện của các Bộ liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công An,...) trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp phép.

Đáng chú ý, về liên thông với Sở giao dịch nước ngoài, quy định hiện hành cho phép Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam liên thông với Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, phải nộp hồ sơ thông báo với Bộ Công Thương. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo của Sở giao dịch hàng hóa về liên thông với Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, Bộ Công Thương có văn bản phản hồi đến Sở giao dịch hàng hóa nếu hồ sơ thông báo chưa đầy đủ. Sau thời hạn trên, nếu Sở giao dịch hàng hóa không nhận được văn bản phản hồi từ Bộ Công Thương có nghĩa là hồ sơ thông báo của Sở giao dịch hàng hóa đã đầy đủ, hợp lệ.

Song Bộ Công Thương muốn sửa đổi quy định trên thành Sở giao dịch hàng hóa chỉ được liên thông khi có đủ năng lực và kết quả hoạt động thực tế để phát triển thị trường hàng hóa tương lai trong nước.

Ngoài ra, Sở giao dịch hàng hóa được xem xét thành lập nếu đáp ứng đủ các điều kiện như vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu hoặc vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Cổ đông sáng lập là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn, không nắm giữ cổ phần của Sở giao dịch hàng hóa khác trong vòng 3 năm gần nhất, đáp ứng các điều kiện tại điểm c khoản 6 Điều này.

Người quản lý (thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên), người điều hành (Tổng giám đốc hoặc Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (hoặc Phó giám đốc), thành viên ban kiểm soát phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện như có bằng đại học trở lên; Có ít nhất 3 năm là người quản lý, điều hành của doanh nghiệp hoạt động trong ngành về kinh tế, luật, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin hoặc của doanh nghiệp khác có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn điều lệ hoặc có ít nhất năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ về xuất nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa, tài chính, ngân hàng, kế toán.

Đồng thời, người quản lý không thuộc một trong số trường hợp như đã từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa do nguyên nhân vi phạm trong hoạt động; Người thuộc đối tượng không được tham gia quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về phòng, chống tham nhũng;...

Đề án thành lập, phương án hoạt động và phương án kinh doanh có cơ sở đảm bảo tính khả thi, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa, an ninh kinh tế, mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến các thành phần của chỉ số giá tiêu dùng; không tạo ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ tạo ra vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hóa và các thị trường liên quan.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Chỉ thị số 10/CT-TTg về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới ngày 02 tháng 03 năm 2024 đã giao nhiệm vụ: “Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch lúa gạo để đảm bảo công khai, minh bạch trong kinh doanh lúa gạo. Nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị".

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/de-xuat-so-giao-dich-hang-hoa-co-von-tu-1-000-ty-dong-duoc-nhieu-bo-nganh-tham-dinh-1100358.html