Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng: Không thể chậm hơn nữa

Các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng, thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023; đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.

Công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa huyện Quốc Oai. Ảnh: Phạm Hùng.

Công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa huyện Quốc Oai. Ảnh: Phạm Hùng.

Đây là thông tin đang rất được quan tâm đối với những người làm việc tại khu vực công có thu nhập chủ yếu dựa vào lương và thực sự cũng là vấn đề không thể chậm trễ hơn được nữa.

Thông tin đáng mừng này được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại hội nghị tiếp xúc cử tri gần đây. Với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ 1/7/2019 và hiện đang ở mức 1,49 triệu đồng. Theo lộ trình, hằng năm, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19, lộ trình này đã không thể thực hiện trong suốt 3 năm qua. Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cũng rất khó khăn trước tác động của đại dịch tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt với những người có thu nhập thấp.

Gần đây, con số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc tăng cao (hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức), nhiều nhất là giáo dục và y tế. Trong rất nhiều nguyên nhân của tình trạng này, có nguyên nhân chính là dù đã có nhiều chính sách cải cách tiền lương nhưng vấn đề này còn rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nên nhiều người có kiến thức, trình độ chuyên môn giỏi đã lựa chọn ra khu vực tư với chính sách tốt hơn.

Tại Hội nghị T.Ư 6 vừa qua, Ban Chấp hành T.Ư đã giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Tại phiên họp gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đồng ý trình Quốc hội tại kỳ họp tới thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.

Trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương, việc điều chỉnh lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức hiện đã là vấn đề rất cấp thiết. Với mức nâng lên 1,8 triệu đồng (khoảng 20,8%) sẽ là phù hợp, bù đắp lại “khoảng trống” của ba năm qua. Bởi đúng như các ý kiến đã chỉ ra, tăng lương, suy cho cùng đó cũng là chi cho đầu tư phát triển, góp phần để kích cầu. Đầu tư cho người lao động thông qua việc cải thiện tiền lương chính là đầu tư cho phát triển và tăng lương, thậm chí có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo ra hiệu suất hiệu quả công việc.

Thực tế, đây cũng là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi người lao động có thêm hứng thú và động lực để làm việc với hiệu suất, chất lượng cao hơn, tạo ra những “lợi nhuận” tốt hơn cho chính các cơ quan Nhà nước, góp phần vào tăng trưởng và các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội hiện tại.

Trong những năm các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid -19, việc lùi việc tăng lương để có thêm nguồn lực chống dịch là việc cần thiết. Nhưng rõ ràng khi kinh tế - xã hội được phục hồi, nguồn lực tăng cường đã được nhìn rõ khi GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%; thu ngân sách Nhà nước vượt cao so với dự toán; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34% GDP… thì việc tăng lương cơ sở phải được xem như vấn đề cấp bách và cần được giải quyết theo tinh thần cấp bách.

Đây cũng sẽ là động lực quan trọng, tạo ra môi trường làm việc để thu hút, hạn chế chảy máu chất xám khỏi khu vực công, ảnh hưởng đến chất lượng, quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-tang-luong-co-so-len-1-8-trieu-dong-khong-the-cham-hon-nua.html