Đề xuất thành lập các Tòa án chuyên biệt

Tại dự thảo lần 2 hồ sơ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa án nhân dân Tối cao đưa ra nhiều đề xuất đổi mới liên quan đến mô hình tổ chức tòa án.

Tòa án nhân dân Tối cao vừa có công văn về việc tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến về dự thảo lần 2 tờ trình đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của ngành.

Dự kiến văn bản trên trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.

Ảnh minh họa: Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao trong một phiên xét xử.

Ảnh minh họa: Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao trong một phiên xét xử.

Theo đó, hiện mô hình của Tòa án nhân dân gồm: 1 tòa án nhân dân Tối cao, 3 Tòa án nhân dân cấp cao, 63 tòa án cấp tỉnh, 702 tòa án cấp huyện và tòa án quân sự.

Qua vận hành, Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng việc tổ chức này có nhiều hạn chế khi chưa theo thẩm quyền xét xử mà gắn với địa giới hành chính. Cụ thể, Tòa án nhân dân cấp huyện là nơi giải quyết, xét xử sơ thẩm trên 80% các loại vụ việc thuộc thẩm quyền. Số lượng mỗi nơi khác nhau, có huyện một năm trên 3.000 vụ nhưng có nơi chỉ dưới 100.

Việc này dẫn đến hệ quả, các Tòa án có khối lượng công việc lớn thì chịu gánh nặng về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất. Trong khi tòa ít việc nhưng vẫn phải bố trí đầy đủ nhân lực, trụ sở cho đến phương tiện, gây lãng phí.

Với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các tòa vừa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, lại vừa phải kiểm tra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Điều đó khiến công việc dàn trải, thẩm phán thiếu tập trung vào một giai đoạn tố tụng nhất định.

Tòa án nhân dân Tối cao còn nhận thấy tổ chức tòa án theo địa giới hành chính còn dẫn đến nhận thức rằng "Tòa án là một đơn vị hành chính thuộc địa phương", còn Tòa tối cao là cơ quan Trung ương. Việc này khiến hạ thấp địa vị của Tòa án cấp tỉnh, huyện, gây khó khăn trong giải quyết vụ án.

Với những phân tích trên, Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất xác định thẩm quyền của Tòa án "theo cấp xét xử thay vì theo cấp hành chính".

Cụ thể, mô hình tổ chức mới của Tòa án nhân dân được đề xuất gồm: Tòa án nhân dân Tối cao, cấp cao, phúc thẩm, sơ thẩm, sơ thẩm chuyên biệt và tòa án quân sự.

Tòa án nhân dân phúc thẩm được xây dựng tại 63 tỉnh, thành, có nhiệm vụ chính là xét xử phúc thẩm các vụ án của tòa sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa án nhân dân sơ thẩm được tổ chức tại các quận, huyện, thị xã. Sửa đổi, bổ sung quy định để Tòa án nhân dân sơ thẩm giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân chuyên biệt.

Như đề xuất này, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ đổi thành tòa phúc thẩm, cấp huyện đổi thành sơ thẩm.

Đặc biệt, một điểm mới so với hiện hành là Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất thành lập ba tòa chuyên biệt là Hành chính, Sở hữu trí tuệ, Phá sản trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân Cấp cao.

Tòa Hành chính sẽ xử sơ thẩm các vụ án hành chính, tòa Phá sản xử sơ thẩm các vụ việc phá sản, toàn Sở hữu trí tuệ giải quyết các vụ án liên quan sở hữu trí tuệ.

Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có Chánh án, Phó Chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, Chánh Văn phòng và tương đương...

Dự thảo đề xuất trước mắt sẽ thành lập một Tòa án nhân dân Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội, hai Tòa án nhân dân Phá sản tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Người tham gia xét xử ở Tòa án nhân dân chuyên biệt là chuyên gia, có chuyên môn cao về lĩnh vực xét xử.

Cũng theo dự thảo, Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa, mà việc này thuộc thẩm quyền của của cơ quan điều tra, công tố. Lý do đưa ra là Tòa án là cơ quan xét xử, nhưng nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình xét xử.

Về cơ cấu Hội đồng xét xử, dự thảo đề xuất bổ sung tiêu chuẩn Hội thẩm tham gia xét xử tại các Tòa án nhân dân chuyên biệt theo hướng phải là các chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm công tác từ 5 năm trở lên trong các lĩnh vực về kinh tế, doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ để tham gia xét xử các vụ án thuộc lĩnh vực đặc thù tương ứng.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-thanh-lap-cac-toa-an-chuyen-biet-152766.html