Đề xuất việc tập huấn nghiệp vụ vận tải cần linh hoạt hơn cho lái xe

Các Hiệp hội tại TP.HCM đề xuất Bộ GTVT cần quy định tập huấn nghiệp vụ vận tải linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho lái xe học và thi thời gian phù hợp.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ. Trong đó, về việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải cho lái xe đang gây ra nhiều ý kiến đến các hiệp hội vận tải.

Đề xuất sửa đổi quy định về tập huấn nghiệp vụ vận tải

Theo Dự thảo quy định tại Điều 12 về tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải cho lái xe kinh doanh vận tải: Đối tượng tập huấn: người lái xe kinh doanh vận tải.

Nội dung khung chương trình bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ vận tải: Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian tập huấn; Khối lượng kiến thức tối thiểu: 4 bài (từ bài 1 đến bài 4); thời gian tập huấn 24 giờ; Cấu trúc kiến thức của chương trình tập huấn.

 Bộ GTVT đề xuất một số nội dung trong tập huấn nghiệp vụ vận tải. Ảnh: TN

Bộ GTVT đề xuất một số nội dung trong tập huấn nghiệp vụ vận tải. Ảnh: TN

Thời điểm tập huấn; Trước khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải; Định kỳ không quá 3 năm, kể từ lần tập huấn trước đó.

Cán bộ tập huấn là người đáp ứng một trong hai yêu cầu sau: Giáo viên chuyên ngành vận tải của các trường từ trung cấp trở lên có đào tạo chuyên ngành vận tải đường bộ; người có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên; Người có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác và có kinh nghiệm tối thiểu 5 năm về quản lý, điều hành vận tải đường bộ.

Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe kinh doanh vận tải của đơn vị mình và đáp ứng các yêu cầu sau: Đảm bảo đúng các nội dung theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này; Trong quá trình tổ chức tập huấn đơn vị kinh doanh vận tải được phối hợp với đơn vị vận tải khác, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiệp hội vận tải ô tô địa phương, cơ sở đào tạo người lái xe ô tô, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, các trường đào tạo từ trung cấp trở lên (các trường có chuyên ngành vận tải) để tổ chức tập huấn cho người lái xe; Trước khi tổ chức tập huấn, đơn vị tổ chức tập huấn thông báo đến Sở Giao thông vận tải địa phương về kế hoạch tập huấn, địa điểm, danh sách cán bộ tập huấn và danh sách học viên tham dự tập huấn để kiểm tra, giám sát.

Đơn vị tổ chức tập huấn: Các đơn vị kinh doanh vận tải được tự tổ chức tập huấn hoặc phối hợp với với các đơn vị quy định tại điểm b khoản 5 Điều này để tổ chức tập huấn cho người lái xe theo quy định; Trước khi tổ chức tập huấn đơn vị kinh doanh vận tải, hiệp hội vận tải ô tô địa phương, cơ sở đào tạo lái xe (Đơn vị tổ chức tập huấn) phải xây dựng kế hoạch tập huấn gồm: Tổ chức các lớp tùy theo nhu cầu ở địa phương mà bố trí số lớp tập huấn cho lái xe cho phù hợp; đối với lái xe có thể chia thành các lớp theo chuyên ngành vận tải như hàng hóa, hành khách hay tổ chức chung; bố trí thời gian, địa điểm, danh sách cán bộ tập huấn và phải báo cáo Sở GTVT địa phương để kiểm tra, giám sát; Đơn vị tổ chức tập huấn quản lý, giám sát quá trình thực hiện tập huấn, kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đối với những người đã hoàn thành tập huấn theo mẫu quy định tại Phụ lục 4a ban hành kèm theo Nghị định này; lưu hồ sơ chương trình tập huấn và kết quả tập huấn tối thiểu 3 năm.

Dự thảo cũng quy định việc tổ chức kiểm tra được thực hiện như sau: Người dự tập huấn phải đảm bảo tham gia đầy đủ thời gian học thì mới đủ điều kiện để được kiểm tra. Kết thúc chương trình tập huấn phải làm bài kiểm tra trong thời gian 120 phút. Điểm kiểm tra kết thúc chương trình tập huấn được chấm theo thang điểm 10, điểm kiểm tra từ 5 điểm trở lên là đạt yêu cầu; Hình thức kiểm tra tập trung; làm bài kiểm tra trên giấy;

Cấp Giấy chứng nhận tập huấn: Những lái xe kinh doanh vận tải có điểm của bài kiểm tra đạt từ 5 điểm trở lên thì được đơn vị tổ chức tập huấn cấp Giấy chứng nhận tập huấn theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều này.

Dự thảo cũng quy định Sở GTVT cử cán bộ giám sát trực tiếp hoặc giám sát thông qua camera theo dõi trực tuyến việc tập huấn của đơn vị tổ chức; Không công nhận kết quả đã tập huấn và yêu cầu đơn vị tổ chức tập huấn phải thực hiện tập huấn lại theo đúng quy định đối với các trường hợp đơn vị tổ chức tập huấn không thông báo đến Sở Giao thông vận tải theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều này hoặc không đảm bảo yêu cầu tại điểm a khoản 5 Điều này.

Các Hiệp hội đề xuất tập huấn linh hoạt hơn

Liên quan đến nội dung này, Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM và Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đều có văn bản kiến nghị.

 Các Hiệp hội kiến nghị việc tập huấn nghiệp vụ nên linh hoạt hơn. Ảnh: TN

Các Hiệp hội kiến nghị việc tập huấn nghiệp vụ nên linh hoạt hơn. Ảnh: TN

Theo Hiệp hội vận tải ô tô hành khách, qua nghiên cứu Dự thảo Nghị định về việc tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ VT đường bộ, Hiệp hội kiến nghị về thời gian tập huấn nghiệp vụ theo quy định này là diễn ra trong 3 ngày. Thời lượng này Hiệp hội cho rằng quá dài, không phù hợp với điều kiện hoạt động của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe là thường xuyên đi lại trên đường, ít có điều kiện ở nhà.

“Do vậy, chúng tôi đề nghị giữ nguyên 1 ngày rưỡi (3 buổi) như trước đây hoặc tốt nhất là rút ngắn lại chỉ còn 8 tiếng, tức là 1 ngày thì phù hợp với điều kiện thực tiễn nhất”- Hiệp hội vận tải ô tô hành khách đề xuất.

Về trách nhiệm của Đơn vị vận tải, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ GTVT nên “mạnh dạn” giao chính thức dịch vụ công này về cho Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, còn doanh nghiệp vận tải chỉ mang tính phối hợp (ngoại trừ một số doanh nghiệp có quy mô lớn từ 300-500 xe trở lên).

Vì Hiệp hội tổ chức tập huấn nghiệp vụ sẽ mang tính chất bài bản, khách quan, dễ kiểm tra hơn là ở các đơn vị. Đặc biệt là những đơn vị nhỏ lẻ, thiếu điều kiện tổ chức tập huấn.

Đồng thời về phương thức tập huấn nghiệp vụ, Hiệp hội cũng đề nghị nên minh thị giao cả 2 phương pháp: Dạy trực tiếp dành cho những nơi có điều kiện tập trung lái xe về một địa điểm, cùng 1 thời gian; Dạy trực tuyến dành cho những trường hợp lái xe, nhân viên phục vụ ở xa thuộc những đơn vị lẻ nhỏ. Kinh nghiệm thực tiễn qua 3 năm đại dịch, hình thức dạy online rất có hiệu quả và thu hút nhiều lái xe và nhân viên phục vụ học tập hơn.

Về thể thức làm bài kiểm tra, nên duy trì cả 2 hình thức như trước đây: Thi tự luận (120 phút); Thi trắc nghiệm 10 câu (30 phút); đạt 5 câu là đủ điểm.

Về vấn đề này, Hiệp hội vận tải hàng hóa cũng kiến nghị bổ sung cho phép việc tổ chức tập huấn và làm bài kiểm tra có thể linh động lựa chọn trực tiếp hoặc trực tuyến qua phần mềm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lái xe tham gia tập huấn.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-viec-tap-huan-nghiep-vu-van-tai-can-linh-hoat-hon-cho-lai-xe-post813131.html