Deloitte: Giá năng lượng cao giúp ngành dầu khí có khoản tiền thặng dư kỷ lục

Một nghiên cứu mới công bố của công ty tư vấn Deloitte cho thấy việc giá năng lượng cao gần như có thể tăng gấp đôi khoản tiền mặt của các nhà sản xuất dầu khí trong năm nay lên 1.400 tỷ USD.

Khai thác dầu tại giếng dầu gần Williston, bang Bắc Dakota (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Khai thác dầu tại giếng dầu gần Williston, bang Bắc Dakota (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Deloitte, sự biến động suốt hai năm qua trên thị trường dầu khí - bao gồm sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và thách thức chuỗi cung ứng - kết hợp với nhiều năm thiếu đầu tư và thiếu kỷ luật tài chính, đã giúp đẩy giá dầu lên mức cao nhất và dòng tiền cao kỷ lục.

Trong báo cáo, Deloitte cho hay xu hướng tăng giá năng lượng sẽ còn kéo dài, nhờ đó hoạt động kinh doanh năng lượng toàn cầu sẽ tạo ra khoản thặng dư tiền mặt lên tới 1.500 tỷ USD vào năm 2030.

Khoản tiền mặt trên nhiều khả năng sẽ giúp khởi động nền kinh tế carbon thấp, nâng thị phần đầu tư xanh của ngành năng lượng từ mức 5% hiện tại lên tới 30% vào thời gian trên. Hoặc các công ty năng lượng cũng có thể sử dụng khoản tiền mặt trên để xóa hoàn toàn khoản nợ của ngành công nghiệp vốn chịu nhiều tổn thất trong đại dịch COVID-19.

Bà Noemie Tilghman, trưởng bộ phận tư vấn dầu khí và hóa chất của Deloitte, cho biết một số công ty sẽ đầu tư nhiều hơn, trong khi những người khác lại đầu tư ít hơn. Điều này tùy thuộc vào việc mỗi công ty dự định phát triển ra sao trong tương lai và họ muốn danh mục đầu tư của mình như thế nào.

Deloitte cho biết khoảng thời gian vài năm tới là giai đoạn then chốt cho các quyết định chiến lược. Vì các nhà sản xuất sẽ tạo ra phần lớn số tiền thặng dư bổ sung - tương đương 1.000 tỷ USD - vào năm 2024. Nếu thành sự thật, đó sẽ là số tiền lớn chưa từng có được tạo ra sau các khoản đầu tư, thanh toán nợ và chi trả cổ tức cho cổ đông.

Cũng theo Deloitte, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ có thể không có nợ vào đầu năm 2024 nếu giá cả duy trì ở mức cao và kỷ luật tài chính được áp dụng. Điều này sẽ giúp khắc phục khoản lỗ 300 tỷ USD kéo dài trong một thập kỷ qua, do bội chi vào sản xuất mới khiến nhiều công ty phải gánh nặng nợ nần.

Nghiên cứu của Deloitte cho biết thị phần tính theo khu vực đang chuyển sang các nhà sản xuất ở Bắc Mỹ, với dòng tiền vào Trung Đông và châu Phi giảm từ hơn 50% trong giai đoạn 2010-2020 xuống còn 30% trong giai đoạn 2021-2022./.

H.Thủy (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/deloitte-gia-nang-luong-cao-giup-nganh-dau-khi-co-khoan-tien-thang-du-ky-luc/256214.html