Đêm giao thừa cũ

Đêm giao thừa, gia đình anh Sửu tá điền phải 'ra điền', bơ vơ không cửa, không nhà, không có chút tài sản dính lưng.

Hôm ấy ba mươi Tết, trong nhà cha tôi náo nhiệt hơn thường lệ. Cha tôi ngồi sau chiếc bàn nhỏ, trước mặt bảy tám người khác đang cầm mỗi người một tập vở học trò. Họ nói rất nhiều, hết phiên người nầy lại tới người khác. Khi ấy, ngồi bên cạnh mẹ nhìn nhóm người xa lạ, tôi không hiểu họ bàn chuyện gì, chỉ thấy cha tôi bình tĩnh ra lệnh họ dạ dạ rồi ra lần. Khi họ đi ra hết, chị ở mới lễ phép, khoanh tay bước ra thưa:

- Thưa cậu, mợ, cơm đã dọn rồi.

Nói xong, dòm tôi chị ngập ngừng hỏi:

- Thưa mợ, còn cậu Năm?

- Con này hỏi lạ! Thì cậu Năm ăn chung với tao chớ. Trưa nay nhớ nấu nước pha cho cậu mày tắm, thay quần áo, lấy sẵn bộ đồ lụa lèo.

Không thể tả hết nỗi vui mừng của tôi khi được cất lên hàng “cậu” khi mới có chín tuổi! Còn quần áo lụa lèo, ngày mai lại Tết. Ôi sung sướng quá. Tôi đâu ngờ cái Tết ấy, tôi không được vui như tôi tưởng tượng.

Vừa sửa soạn ăn cơm thì cha tôi vụt hỏi:

- Còn mấy thằng kia đâu?

Đoán biết rằng cha tôi hỏi mấy anh tôi nên mẹ tôi đáp:

- Chúng nó đi bắn chim chưa về.

Và hỏi lại:

- Năm nay mùa lúa như thế nào?

Với giọng bất mãn cha tôi đáp:

- Hơi thất, chắc tại mấy thằng tằng khạo không giữ kỹ lúa, hay không chừng chúng nó a tòng với tá điền giấu lúa bán rồi chia.

Lúc ấy tôi đã hiểu trọ trẹ năm ba tiếng Pháp tôi rất hãnh diện là học trò trường Ta-Be Sài Gòn được hai năm rồi, thế mà tôi không hiểu thằng “tằng khạo” là cái gì. Tôi hỏi:

- Tằng khạo là gì ba?

Cha tôi nhìn sang mẹ tôi, cười rồi nói:

- Thằng Năm nó học làm chủ điền! Tằng khạo là người mà mình mướn để coi sóc tá điền, giữ lúa và góp lúa.

Đến nay tôi hiểu rõ vai tuồng của tằng khạo, họ chẳng khác nào cặp rằng ở các xưởng và thầy su ở đồn điền cao su.

Mẹ tôi đã ăn trầu, cha tôi bắt đầu vấn thuốc thì anh Điều bước đến chắp tay xá:

- Thưa cậu, mợ.

Cha tôi vội hỏi:

- Lúa của thằng Sửu đong chưa?

- Dạ xong rồi, tất cả có…

Anh vừa nói vừa lật tập vở ra đọc:

- Hai trăm bảy mươi hai giạ rưỡi.

Cha tôi vỗ bàn nói lớn:

- Nó phải đong ba trăm hai chục giạ mới đủ.

Anh Điều mặt có vẻ sợ sệt, thưa rằng:

- Dạ tôi xét hết trong nhà xóm, đống rơm và từng khoảnh đất mà không thấy nó giấu lúa ở đâu cả.

Mẹ tôi bào chữa hộ cho anh Điều:

- Nghe nói năm nay lúa nó thất, rồi chỉ ghế, mẹ tôi bảo anh Điều ngồi.

Cha tôi càu nhàu rầy anh Điều:

- Mày làm tằng khạo mà mày không biết gì hết, tao đã nói với mày nó không đủ sức làm nổi năm chục công mà mày cãi. Hết trâu bịnh rồi tới nó, vợ nó bịnh.

Anh Điều gãi đầu nhỏ nhẹ nói:

- Dạ vợ chồng tụi nó dư sức làm nhưng tại tụi nó làm biếng. Hôm mùa mưa nó đắp bờ cũng kỹ lưỡng lắm. Ấy là nhờ cậu bắt nó nằm ở sân gạch đánh mấy roi nên nó mắc cỡ.

 Để được "vô điền", tá điền phải được phép của điền chủ. Ảnh: Vnphoto.

Để được "vô điền", tá điền phải được phép của điền chủ. Ảnh: Vnphoto.

[...] Hằn học, chỉ mẹ tôi, cha tôi nói cùng anh Điều:

- Cũng tại mợ mầy tao mới cho hai vợ chồng nó vô làm ở đây, chứ tao cũng biết tụi nó bị đuổi ở điền thằng Tây mặt đỏ.

Mẹ tôi vội tự bào chữa:

- Thì thấy cảnh tụi nó cũng tội nghiệp. Không nhà không cửa hai vợ chồng một đứa con. Vả lại nó cũng nghe đồn mình ở nhơn đức nên nó mới đến đây xin “vô điền”.

Đọc đến đây hẳn có bạn ngạc nhiên vì tôi dùng hai chữ “vô điền”. Muốn dễ hiểu xin các bạn hãy sống trở lại hồi hai ba mươi năm về trước. Trong thời bấy giờ, một cái “điền” là một quốc gia trong các xứ thuộc địa Nam Kỳ. Nó có ranh giới với chủ điền làm chúa tể, với những trai trẻ tá điền làm lính phòng vệ. Nó có khám giam bất kỳ ai khi ông chủ điền xét cần.

Không có ai được quyền đi chơn vào điền mà không thông báo cho chủ điền hay trước dầu người ấy là chú lính, ông huyện hay ông cò Tây. Không cho hay trước, không được chủ điền ưng thuận mà vào điền thì sẽ bị coi như là “ xâm nhập lãnh thổ”, sẽ bị trói đưa đến chủ điền định đoạt số phận. Vô điền khó như thế mà gia đình anh Sửu nào đó lại được cho làm ruộng, âu cũng là cái ân huệ to!

Cha tôi hất hàm hỏi anh Điều:

- Mày tính sao về vụ thằng Sửu?

Anh Điều cương quyết đáp:

- Năm nay phải đuổi nó.

Cha tôi gật đầu bảo:

- Ừ, mày nhớ rằng nó làm ruộng giao.

Anh Điều đáp:

- Dạ tôi nhớ, nếu nó cự nự tôi sẽ bắt về cho cậu đóng trăng. Nhưng nó cũng không có gì chỉ còn mấy con gà con vịt.

Mẹ tôi bảo anh Điều:

- Mầy để qua cái Tết rồi sẽ hay.

Anh Điều cứng rắn đáp:

- Dạ, đâu được mợ. Tết để nó ở đây ăn hại lắm. Tá điền, người ta lo cờ bạc, ăn nhậu, nó túng quá rồi nó ăn cắp rồi mất công tôi.

Trưa ba mươi, nằm cạnh mẹ trên từng lầu cao, tôi thuật cho mẹ nghe cách sống trong ngôi trường Ta-Be, mẹ tôi nằm nghe đến đoạn lời thầy bảo “Chúa đã bảo chúng ta thương người như thương mình vậy.” Mẹ tôi nói:

- Phải.

Tôi chụp hỏi:

- Sao ba không thương anh ấy lại đuổi?

Mẹ tôi ngập ngừng đáp:

- Má cũng không muốn đuổi tụi nó. Tội nghiệp nhưng má nói ba không nghe đâu. Vả lại tụi nó lại làm ruộng giao.

[...]

Năm ấy, khắp vùng của điền cha tôi và các điền kế cận người ta ăn Tết có vẻ lớn hơn mọi năm, không phải do mùa trúng mà vì mùa làm rồi sớm hơn mọi năm. Tá điền rảnh rang mua thuốc về làm pháo tre, mua bài chuẩn bị đánh trong ba ngày Tết.

Đêm giao thừa, trong lầu cha tôi có vẻ rộn rực khác thường. Mấy ông điền chủ bạn, đã cỡi ngựa hay đi ghe hầu đến. Cùng với họ là những người bạn (tức là đầy tớ). Chính nhà tôi phải cung phụng cho họ tất cả. Nhà trên thì dành cho chủ điền, nhà dưới cho mấy kẻ tùy tùng.

 Nhà điền chủ ăn uống phủ phê. Ảnh: Pinterest.

Nhà điền chủ ăn uống phủ phê. Ảnh: Pinterest.

Sau buổi cúng, cúng chiều ăn uống no nê, các ông chủ điền ngồi đánh tứ sắc, mấy anh của tôi đã thả rong trong xóm tá điền, chỉ còn tôi ngồi cạnh mẹ chơi cái máng cỏ của thầy dòng thưởng trong cuốc lễ bãi trường. Trong khi mẹ tôi lịnh cho mấy chị ở têm trầu, rót nước thì vài ba bóng người lấp ló ở cửa cái. Mẹ tôi xây lại hỏi:

- Đứa nào đó, sao không vô?

Một người đàn ông, mặt gầy xanh như người vừa khỏi bịnh, khúm núm bước vào chấp tay xá:

- Thưa mợ.

Thưa xong, anh ngồi chồm hổm ở ngưỡng cửa. Anh chỉ bận một cái quần đen. Sau lưng anh một chị mặt còn trẻ nhưng tái xanh bận áo ngắn tay không biết màu gì có lẽ là màu trắng, những miếng vá chồng chất nhiều nơi.

Giữa anh và chị ấy, một thằng bé ốm gầy đứng nhìn tôi với đôi mắt buồn ngủ. Thấy mặt đứa bé hơi quen quen. Tôi nhớ lại, chính nó đã có lần lòn tay qua hàng rào song sắt để cho tôi con trâu bằng đất nó vừa mới nắn. Tôi cảm thấy thương nó quá! [...]

Mẹ tôi dịu dàng hỏi:

- Đêm khuya rồi, tụi bây lại đây có việc gỉ?

Anh ấy tức là Sửu, ấp úng đáp:

- Thưa mợ, tụi tui đến xin thưa mợ cho tụi tui ra điền.

Mẹ tôi cảm động nói:

- Gấp gì dữ vậy, ăn Tết rồi đi không được sao? Đêm tụi bây sẽ ngủ ở đâu?

Anh nghẹn ngào đáp:

- Dạ anh Điều biểu phải đi tức khắc và đến trình cho cậu mợ.

Trình! Anh tằng khạo làm việc kỹ lưỡng thật, anh muốn cho cha mẹ tôi thấy tận mắt rằng anh đã thi hành sốt sắng nhiệm vụ, anh đã tịch thâu tất cả, chỉ chừa cái quần mảnh áo che thân!

Dường như chưa biết phải quyết định như thế nào, mẹ tôi gọi cha tôi:

- Ông à, hai vợ chồng thằng Sửu đến thưa xin đi.

Cha tôi bận ván bài tứ sắc không buồn nhìn sang chỉ đáp:

- Ừ.

Thế là xong cuộc trình diện, anh Sửu đứng dậy, cùng với vợ xá mẹ tôi rồi anh nói:

- Thưa mợ tui đi.

Anh xây lưng bước ra, vợ anh lôi tay thằng bé. Nó giật mình vì nó mải nhìn tôi với đôi mắt thèm thuồng. Nó thích cái máng cỏ hay bộ quần áo lụa lèo của tôi. Hẳn là cả hai. Mẹ tôi gọi lại:

- Nè cho nó một cắc để ăn Tết. Thôi tụi bây đi mạnh giỏi, ráng làm ăn.

Ba bóng, hai cao một thấp chậm đi ra trong đêm tối. Đêm giao thừa họ sẽ ngủ ở đâu, trên bờ ruộng, trong đệm lát hay trên đống rơm giữa mùa gió lạnh? Không ai màng biết đến!

Phạm Công Luận tuyển / NXB Thế giới và Phuongnambook

Minh Ký (Tiếng Chuông xuân Bính Thân 1956)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dem-giao-thua-cu-post1181559.html