Đem niềm vui đến với nữ công nhân

Sau 5 năm triển khai Chương trình hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động, đến nay, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành lắp đặt 29 phòng vắt, trữ sữa tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ.

LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh hiện đang quản lý gần 1.900 công đoàn cơ sở với gần 190.000 đoàn viên, trong đó đoàn viên nữ chiếm gần 70%. Với đặc thù công việc của từng doanh nghiệp, công nhân thường xuyên làm việc theo ca kíp, vì vậy, đối với các công nhân nữ có con nhỏ khó sắp xếp thời gian về giữa buổi để chăm sóc con.

Trao phòng vắt, trữ sữa tại Công ty Nexcon Vina (khu công nghiệp Yên Phong)

Trao phòng vắt, trữ sữa tại Công ty Nexcon Vina (khu công nghiệp Yên Phong)

Việc lắp đặt phòng vắt và trữ sữa nhằm hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ mạnh khỏe, phát triển tốt hơn, đồng nghĩa với việc giảm số giờ vắng mặt của người lao động do nghỉ chăm con ốm, người lao động toàn tâm, toàn ý với công việc, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tiết kiệm được nhiều chi phí như khám, chữa bệnh, mua sữa công thức cho trẻ...

Tính đến hết tháng 9/2019, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh đã bàn giao 4 phòng vắt và trữ sữa, nâng tổng số lên 29 phòng trong 5 năm thực hiện chương trình. Theo đó, mỗi phòng vắt và trữ sữa là một không gian riêng biệt rộng tối thiểu 6m2, có nguồn nước sạch, có nguồn điện, bảo đảm vệ sinh, được trang bị tủ lạnh, ghế, bàn; khăn giấy hoặc khăn lau, máy hút sữa, bình tiệt trùng.

Ngoài ra, trong 5 năm, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh còn tổ chức truyền thông kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ cho hơn 8.200 lao động nữ với tổng số tiền khoảng 750 triệu đồng. Qua các buổi truyền thông, các chị em được nghe chuyên gia tư vấn, trao đổi về những vấn đề cần thiết của bà mẹ trước khi mang thai, chế độ dinh dưỡng trong thời gian mang thai, cách phòng, chống suy dinh dưỡng của trẻ và tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhiều câu hỏi của các nữ công nhân, lao động đã được chuyên gia tư vấn trả lời cụ thể.

Theo chị Nguyễn Thị Hương - công nhân Công ty TNHH Mobase Việt Nam (Yên Phong), đây thật sự là một mô hình thiết thực, giúp chúng tôi có thể duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ khi đi làm trở lại. "Nuôi con bằng sữa mẹ giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí và giúp con phát triển khỏe mạnh, mong rằng thời gian tới, công đoàn tỉnh sẽ có thêm nhiều buổi truyền thông hơn nữa giành cho công nhân, lao động" - chị Hương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc An - Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, việc thiết lập phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc là biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo cho nữ công nhân, lao động vừa làm tròn vai trò người mẹ mà vẫn đảm bảo tốt công việc. Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ được 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. "Việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa là việc làm thiết thực của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi lao động nữ và góp phần xây dựng doanh nghiệp" - ông Nguyễn Ngọc An khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc An cho hay, sau gần 5 năm triển khai mô hình đã tạo hiệu ứng tích cực cho doanh nghiệp, nhất là các nữ công nhân. Nhận thấy lợi ích của mô hình này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tự lắp đặt phòng vắt, trữ sữa cho các lao động nữ.

Ông Nguyễn Ngọc An- Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh:
Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức truyền thông các kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ và cách vắt, trữ sữa, đồng thời lắp đặt thêm nhiều phòng vắt, trữ sữa tại các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ làm việc.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dem-niem-vui-den-voi-nu-cong-nhan-126855.html