Đêm ở lăng Thoại Ngọc Hầu

Ngày thường, khu vực lăng Thoại Ngọc Hầu (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã nhộn nhịp du khách xa gần tới lui chiêm bái. Những ngày gần đây, không khí lễ hội càng rộn ràng hơn, khi địa phương đang đẩy mạnh hoạt động hướng đến kỷ niệm 195 năm Ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 – 2024).

Lăng Thoại Ngọc Hầu còn được gọi là Sơn Lăng, nằm trên nền cao, dựa lưng vào núi Sam nổi tiếng. Đây là di tích văn hóa lịch sử, công trình kiến trúc cổ tiêu biểu dưới thời Nguyễn, nơi yên nghỉ của vị danh thần có công lớn trong việc khai hoang, lập làng, đào kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế. Nhờ đó, biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc được thông thương hàng hóa, bảo vệ vững chắc.

Là kiến trúc lăng tẩm xưa thời Nguyễn, nhưng vào ban đêm, lăng Thoại Ngọc Hầu vẫn mang đến cảm giác rất gần gũi, bình yên, thoáng mát. Bởi vậy, người dân địa phương và khách du lịch thường xuyên tìm đến cúng viếng, dạo mát, tham quan lăng, không quản ngại ngày hay đêm.

Ngay chính giữa trong khuôn viên lăng là mộ của cụ Thoại Ngọc Hầu, chính thất Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế, thứ thất Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt.

Phía trước lăng là khoảng sân rộng nổi bật với long đình, bên trong có bản sao bia Thoại Sơn. Thời gian đã bào mòn đường nét sắc sảo, chữ viết trên bia, in hằn dấu tích phôi phai ở một số vật kiến trúc trong lăng. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để người đời sau mường tượng phần nào về bậc tiền nhân có công lớn “lập làng mở ruộng, chiêu tập dân cư”.

Hai bên khuôn viên lăng có nhiều ngôi mộ hình dạng khác nhau: Bầu dục, hình voi phục, hình quả đào, cái nón… Đây đều là những ngôi mộ vô danh của các cận thần, thân tộc, dân phu, dân binh đã chết khi tham gia đào kênh Vĩnh Tế. Từ bên trong lăng có thể nhìn thấy Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam nổi bật trong đêm.

Trong đền thờ, nơi chính điện đặt bài vị của cụ Thoại Ngọc Hầu và 2 phu nhân, luôn nghi ngút hương khói. Mỗi liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế... đều được bảo quản cẩn thận, thể hiện rõ nét lòng kính trọng, tri ân của người thời nay, gửi gắm đến người xưa.

Phía trước Sơn lăng là khoảng sân cao, vừa đủ rộng để tổ chức một số hoạt động văn hóa – văn nghệ, nhất là các nội dung liên quan đến Danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Lời ca, điệu múa, tiếng đờn tài tử được vang vọng trước lăng, mang đến không gian văn hóa đậm bản sắc miền Tây, vừa níu chân mọi người tụ hội về góp chút tấm lòng tưởng nhớ tiền nhân.

Một hoạt động thu hút khá đông người dân là “ông đồ cho chữ” trong Chương trình “Nét Việt”, được Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Châu Đốc phối hợp Công ty TNHHH Sự kiện và Dịch vụ du lịch Sắc Việt tổ chức trước lăng Thoại Ngọc Hầu. Dù quy mô chương trình không lớn, nhưng có sự hòa quyện giữa không gian xưa và nay, giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa dân gian và văn hóa đương đại…

Nhà gần lăng, hôm nào bé Na (2 tuổi) cũng được bà ngoại ẵm đến đây hóng mát, chơi đùa. Những hôm có biểu diễn văn nghệ, nghi thức cúng tế tại lăng, bé càng háo hức muốn đến thật sớm. Cuộc sống của hai bà cháu cứ thế trôi qua, dù vẫn nặng gánh mưu sinh, nhưng đầy sắc màu của lễ hội.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dem-o-lang-thoai-ngoc-hau-a399614.html