Đêm trừ tịch - suy ngẫm về tăng trưởngĐêm trừ tịch - suy ngẫm về tăng trưởng

Sau nhiều năm chạy theo tốc độ tăng trưởng kinh tế gần như là bằng mọi giá, giờ chúng ta nhìn lại và nhận ra mình đã mất quá nhiều.

Tối ba mươi, sau lúc chuẩn bị xong mâm cơm cúng giao thừa, tôi ngồi nghe Ngọc Tân, một ca sĩ tài hoa vắn số, cứ da diết van nài: “Chảy đi sông ơi, chảy đi sông ơi, ơi con sông hiền hòa, ơi con sông thiết tha...” mà sao nước mắt cứ chực chảy ra. Chẳng biết có phải Phó Đức Phương thương cho sông không còn sức để chảy, thương cho người dân lam lũ ven sông, thương cho đất nước nghèo khó phải chấp nhận trả giá đắt cho sự trở mình hóa rồng hóa hổ mà ca từ cứ cứa vào lòng người. Mà cũng phải thôi, các dòng sông bây giờ còn sức đâu mà chảy.

Ngày hôm nay, liệu còn có người vợ nào “chiều chiều ra sông gánh nước” để về nấu ăn, tắm giặt, tưới cây hay da diết hướng về đầu nguồn, nơi có người thân nơi biên thùy nữa không? Chắc hẳn là không, bởi với thứ nước ấy cây nào sống được. Đêm trăng nơi thôn quê cũng chẳng còn đẹp như xưa nữa, bởi những đôi trai gái chẳng còn hẹn nhau ở những cây cầu nho nhỏ bắc qua sông để “đêm trăng sáng bên cầu em giặt áo, đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo”, bởi lẽ nước ấy cho dù là ở “sông Cầu nước chảy lơ thơ”, “dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa” hoặc “nước mô xanh bằng dòng nước sông La” thì cũng đều bốc mùi khó chịu, gây ngứa ngáy tay chân cho ai lỡ một lần dính phải.

Không phải chỉ có những dòng sông chết mà hầu như tài nguyên khoáng sản cũng cạn kiệt hết cả. Rừng phải đóng cửa vì khai thác hết gỗ; các mỏ dầu hóa thạch lần lượt cạn, than đá phải nhập từ Nga, Indonesia; tôm cá ven biển hầu như không còn; các dòng sông cũng cạn khô vì các đập thủy điện chặn dòng để tích nước; những thứ tưởng chừng như vô tận và rẻ rúng thì nay cũng là hàng hiếm như cát, sỏi, đá, đất, vỏ sò, vỏ hến...

Các nước nghèo, chậm phát triển (nay được gọi chung là đang phát triển) khi tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa thường rơi vào tâm lý nôn nóng, muốn đẩy nhanh tốc độ và quy mô phát triển lên cao độ để mong đuổi kịp các nước đi trước theo kiểu “nhảy vọt”, “đi tắt đón đầu”. Để trở thành nước công nghiệp hóa và hiện đại hóa thì chỉ có hai cách: một là vay tiền của nước ngoài và các quỹ tiền tệ quốc tế, và thứ hai là móc tài nguyên khoáng sản sẵn có lên bán thô.

Sau năm 1995 (Mỹ dỡ bỏ cấm vận), Việt Nam cũng rơi vào quỹ đạo này, và hôm nay trở thành con nợ lớn, tài nguyên khoáng sản cạn kiệt cho mục tiêu công nghiệp hóa. Trong suốt 25 năm, chúng ta đặt “tăng trưởng kinh tế” lên hàng đầu và nó trở thành mục tiêu duy nhất quan trọng phải đạt được gần như là bằng mọi giá với khẩu hiệu “tăng trưởng, tăng trưởng và tăng trưởng”. Nhưng tiếc thay, sau khi đạt được tăng trưởng kinh tế cao, quay đầu nhìn lại thì cái giá phải trả quá đắt. Môi trường tự nhiên bị hủy hoại, tài nguyên bị cạn kiệt, đạo đức truyền thống bị suy giảm... Chính từ đây mà khái niệm “tăng trưởng âm” ra đời, nó cho thấy sau khi trừ đi số chi phí phải trả cho việc khắc phục những thiệt hại do cơn say nắng “tăng trưởng” tạo ra thì không thấy lời chút nào về kinh tế và tài chính thuần, hơn nữa cái giá phải trả cho phục hồi những thứ đã mất như đạo đức, sự tử tế, niềm tin, văn hóa truyền thống, di sản cha ông, nền móng gia đình là điều vô cùng khó khăn, bởi không phải cái gì cũng lấy lại được bằng tiền.

Cũng từ thực tế của các nước đi trước, người ta mới rút ra được một kinh nghiệm rằng hoàn toàn có thể tạo ra được một xã hội sống tốt ngay cả khi xuất phát điểm chưa cao, không cần phải đợi đến khi thật nhiều tiền mới chăm lo cho văn hóa, giáo dục và đời sống tinh thần. Do nhận thức được điều này mà nhiều quốc gia như Malaysia, Singapore, Trung Quốc chuyển hướng chiến lược từ tìm kiếm “tăng trưởng nóng” sang “phát triển xã hội hài hòa”.

Không phải không có lý khi ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nói: “Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn”. Tất nhiên, vừa giàu có vừa hạnh phúc là quá tốt, nhưng nếu bắt buộc phải chọn giữa giàu mà bất an và đủ sống mà an lạc thì chắc chắn người dân chọn đủ mà an.

Có một sự thật là môi trường sống an toàn không hẳn phụ thuộc vào tiền. Thành phố Vientiane (Lào) được đánh giá là an ninh và an toàn nhất trên thế giới. Ở đây, rủi ro trong cuộc sống rất thấp, người dân sống hiền hòa, nhà không cần khóa cửa, xe để ngoài đường không cần khóa; dẫu thành phố này còn nghèo nhưng được đánh giá cao về mặt nhân văn, đời sống con người, về an toàn xã hội... Xét về khía cạnh này thì rõ ràng nó hơn nhiều thành phố của Mỹ.

Chính vì điều này mà nhận thức về phát triển đã thay đổi trên bình diện quốc tế. Từ chỗ đo lường phát triển dựa trên tổng sản phẩm trong nước (GDP), thu nhập của hộ gia đình hay cá nhân sau một năm, thì sau đó chỉ số phát triển được bổ sung thêm một hệ đo lường khác nữa là chỉ số phát triển con người (HDI).

Nguyễn Minh Hòa

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/298999/dem-tru-tich---suy-ngam-ve-tang-truong.html