Đến năm 2025, xây dựng chính quyền đô thị Hải Phòng tinh gọn, hiệu quả
Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hợp lý, hiệu quả
Chiều 30/10, trình bày Tờ trình trước Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Dự thảo Nghị quyết có 10 điều với các nội dung cơ bản: Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng; Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị; Về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND; Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập; Về cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn.
Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng: Chính quyền địa phương ở quận, phường tại Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường). Việc tổ chức chính quyền địa phương ở Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác của thành phố có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị: Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố, quận, thành phố Thủy Nguyên và phường để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây sang HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Hải Phòng; UBND, Chủ tịch UBND quận; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên và UBND phường thực hiện; đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan này (tương tự TP.HCM và Đà Nẵng đang thực hiện) để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 “Xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; đến năm 2030 “Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh”.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, TP. Hải Phòng đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động. Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ Nhân dân tốt hơn của chính quyền các cấp của thành phố.
Chỉnh lý nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của UBND, Chủ tịch UBND
Nêu Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng. Những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của luật và đang được thực hiện thí điểm tại các địa phương khác thì nên được quy định trong Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng mà Chính phủ đang dự kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới để bảo đảm đúng theo yêu cầu của Bộ Chính trị và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng; tán thành việc tăng cường bộ máy, tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cho HĐND thành phố; tán thành việc điều chuyển, bổ sung thêm một số thẩm quyền cho HĐND thành phố để tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường.
Về UBND, Chủ tịch UBND thành phố, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của UBND, Chủ tịch UBND để bảo đảm phù hợp, chính xác.
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc kỹ quy định giao UBND thành phố quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện và thành phố thuộc thành phố (điểm đ khoản 1 Điều 3) để bảo đảm nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền và bảo đảm tính thống nhất với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương…