Đến sân Mỹ Đình xem bóng đá trong 'bình thường mới'
Đỗ Nguyễn Phương Thảo, 25 tuổi, có những trải nghiệm đặc biệt trong lần đầu tới sân Mỹ Đình xem bóng đá ở trận đấu đón khán giả trở lại sau 2 năm.
Trận đấu Việt Nam gặp Nhật Bản tối 11/11 là lần đầu tiên kể từ trận Việt Nam - Thái Lan hồi tháng 11/2019, sân Mỹ Đình đón khán giả trở lại theo dõi và cổ vũ hai đội thi đấu.
Phương Thảo, nữ nhân viên văn phòng quyết định sẽ tới sân theo dõi hai đội thi đấu khi được tặng một chiếc vé mời. Trận đấu này rất đặc biệt với cô gái đến từ Pleiku, Gia Lai. Sau gần 3 năm làm việc tại Hà Nội, Thảo mới có lần đầu tiên bước vào sân vận động quốc gia. Càng đặc biệt hơn khi trận đấu diễn ra trong bối cảnh "bình thường mới" với những cảnh báo về việc lây lan dịch bệnh.
Trải nghiệm của cô gái 25 tuổi
Khác với nhiều trận đấu của tuyển Việt Nam trước đây, ban tổ chức đưa ra nhiều yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn tối đa. Ngoài việc có vé, khán giả phải có xác nhận âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine tối thiểu 14 ngày và xuất trình giấy tờ tùy thân.
Lần đầu tiên tới sân Mỹ Đình, dù đã di chuyển qua khu vực quảng trường trước sân nhiều lần, Thảo có nhiều sự tò mò, hào hứng và đặt nhiều kỳ vọng cho lần trải nghiệm tương đối đặc biệt này, từ việc tận mắt thấy cơ sở vật chất của sân vận động quốc gia đến cảm xúc khi tận mắt chứng kiến các cầu thủ thi đấu với khoảng cách gần hơn bao giờ hết và cả không khí của một trận đấu quốc tế.
"Tôi có biết những thông tin về việc sân Mỹ Đình xuống cấp. Đài báo đưa tin khá nhiều trong thời gian qua. Có vẻ việc sửa chữa sân được ban quản lý thực hiện khá kỹ lưỡng. Thực tế không tệ như những gì tôi suy nghĩ. Mặt cỏ xanh, đẹp, ghế ngồi sạch sẽ... Nói chung, không có gì để chê trách cả. Chỉ có điều, sân Mỹ Đình bé và không hoành tráng như tôi tưởng tượng, nhưng đó không phải là sự thất vọng tiêu cực", Thảo chia sẻ.
Khu vực nữ nhân viên văn phòng này ngồi nằm ở tầng 2 khán đài A. Hai khán đài A và B có 2 tầng khán đài, được đánh số 2 và 5. Điều này có gây đôi chút hiểu lầm với một người lần đầu tới sân. "Tôi cứ nghĩ rằng chỗ ngồi của mình là khán đài trên cao. Thực tế không phải vậy. Chỗ ngồi của tôi khá thấp, và góc nhìn không thực sự lý tưởng".
Cô cũng bày tỏ sự tò mò về khả năng quan sát, theo dõi trận đấu ở những góc nhìn khác nhau: "Chỗ tôi ngồi bị một vài góc chết do vướng khu vực kỹ thuật hai đội. Tôi khá tò mò, khán giả ở những khu vực khác có góc nhìn ra sao, liệu khu vực nào thuận tiện nhất cho việc theo dõi trận đấu".
"Tôi cũng bị ấn tượng về khu vực khán đài D, nơi có Hội CĐV Việt Nam. Tôi thấy rõ không khí ở đó rất sôi động. Có lẽ, khi có cơ hội vào lần sau, tôi sẽ chọn khái đài D để tiếp tục trải nghiệm những thứ mới mẻ hơn".
Thảo ngồi gần một nhóm cổ động viên đội khách Nhật Bản và cô không cảm thấy có vấn đề gì với sự tình cờ này. "Tôi có bắt chuyện với ý hỏi thăm xã giao, nhưng có vẻ họ khá đề phòng với người ngoài nhóm của mình. Điều này cũng dễ hiểu thôi, trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại. Trong suốt trận đấu, họ cổ vũ khá văn minh", Thảo chia sẻ.
Ấn tượng với công tác kiểm dịch
Để vào sân, khán giả phải trải qua 4 vòng an ninh, nhiều hơn một vòng so với thông báo trước đó từ ban tổ chức trận đấu. Phần lớn khu vực quảng trường trước khán đài B được thiết lập hàng rào, giành không gian cho khán giả di chuyển, chuẩn bị vào sân. Ngay ở khu vực này, lực lượng an ninh đã được triển khai để phân loại, chỉ những người có vé mới được vào.
"Trước khi tới sân, tôi khá lo ngại việc phải xếp hàng, trải qua nhiều bước kiểm tra kỹ càng. Vấn đề đảm bảo khoảng cách là băn khoăn lớn trong đầu. Trước đây, khán giả thường phải xếp hàng dài, chen lấn để được vào sân. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Công tác an ninh khá chuyên nghiệp", Thảo cho biết.
"Các bước kiểm tra được sắp xếp tương đối khoa học, có sự hướng dẫn chi tiết. Lực lượng an ninh thực hiện khá ổn, không gây phiền hà khó chịu, không phải chờ đợi lâu. Việc giữ khoảng cách cũng được đảm bảo, nhiều nhân viên an ninh túc trực sẵn sàng nhắc nhở khán giả giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, dù họ là nhóm bạn đi chung", cô gái người Pleiku tường thuật.
Một ngày trước trận, Thảo phải tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa để hoàn thành việc xét nghiệm, rồi sau đó tự mình lấy kết quả. "Việc này hơi bất tiện. May mắn là việc di chuyển không gặp nhiều trở ngại. Tôi tự hỏi với những người ở cách xa phòng khám thì việc này còn khó khăn tới thế nào", cô gái 25 tuổi chia sẻ.
Dù vậy, theo Thảo việc này là cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Cô cho biết việc xét nghiệm diễn ra khá thuận lợi nhanh chóng. "Cá nhân tôi không tốn nhiều thời gian, không phải xếp hàng chờ đợi quá lâu và cảm giác khá dễ chịu. Buổi sáng trước trận đấu, phòng khám còn gọi điện thông báo sẽ chuyển kết quả xét nghiệm sang cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý", Thảo tâm sự.
Cô cũng bật mí cảm xúc trong cuộc trao đổi ngắn: "Khi biết đó là cuộc điện thoại từ phòng khám, tôi hơi giật mình, chỉ lo ngại liệu có sự cố gì không, lỡ mình bị dương tính thì sao. Khá sợ hãi. Rồi tôi cũng yên tâm khi được thông báo. Tôi thấy đó là sự chu đáo và tôn trọng khách hàng".
Theo kế hoạch, khán giả nữ sẽ giành thời gian để tham quan một vòng sân Mỹ Đình cho thỏa tò mò. Song, đến cuối cùng dự định đã không thành. Thảo được yêu cầu rời sân chỉ ít phút sau khi trận đấu kết thúc. Với cô đây là việc làm cần thiết của lực lượng an ninh. "Trước khi rời đi, họ kiểm tra một lượt để đảm bảo không ai còn sót lại trên khái đài vì bất kỳ lý do gì. Tôi nghĩ việc làm này để chắc chắn không có bất trắc gì, như sự cố hay mất mát gì, xảy đến sau trận đấu", Thảo giải thích.
Những vết gợn
Trận đấu đầu tiên đón khán giả trở lại sân sau 2 năm vì dịch bệnh, ban tổ chức phát hành 4 mệnh giá: 500.000 đồng, 700.000 đồng, 900.000 đồng và 1,2 triệu đồng. Mức giá này cao hơn hẳn so với những trận đấu trước đây. Theo Thảo, mức giá này không phù hợp với số đông khi nó quá cao so với thu nhập trung bình của người dân.
Vì vậy, sức hấp dẫn không thực sự lớn, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều lo ngại về việc lây lan dịch bệnh.
Một ngày trước trận đấu, toàn bộ ghế trên sân Mỹ Đình đã được phân loại bằng miếng dán phân loại chỗ ngồi đảm bảo giãn cách. Khoảng cách được duy trì tối thiểu 2 ghế. Dù vậy, trải nghiệm của cô gái Pleiku không quá thoải mái.
"Có một số người vẫn bất chấp và ngồi cạnh nhau. Tôi biết họ là nhóm bạn đi chung, nhưng như vậy là không chấp hành quy định. Một việc khá khiến tôi khó chịu là nhiều người hút thuốc trong sân. Tôi không rõ có quy định cấm hút thuốc hay không, nhưng thực sự đó là việc không nên, ở nơi đông người. Lực lượng an ninh cũng có nhắc nhở họ dập thuốc đi. Nói chung, những việc này đến từ ý thức của khán giả thôi", Thảo bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến các quy định định nhằm phòng tránh dịch bệnh, ban tổ chức bố trí loa phát thanh hướng dẫn khán giả tại khu vực kiểm tra an ninh vòng ngoài. Trước trận đấu nhiều ngày, khuyến cáo nên đến sân sớm cũng được đưa ra.
Ban tổ chức không đánh số ghế lên vé. Khán giả được tự do chọn chỗ ngồi phù hợp theo khu vực cửa vào của mình. Những người đến sớm có nhiều lựa chọn hơn và tất nhiên là được quyền chọn chỗ ngồi đẹp hơn. Phương Thảo đến sân trước giờ bóng lăn chỉ gần một tiếng, và lựa chọn của cô không còn nhiều.
"Tôi dự định sẽ đến sân từ khoảng 17h. Tuy nhiên, do bận công việc tại văn phòng, rồi mất thêm thời gian di chuyển trong giờ cao điểm, nên tôi phải chấp nhận. Tôi thông cảm với việc ban tổ chức không đánh số ghế ngồi trên vé. Họ phải đảm bảo việc giãn cách nên việc này là rất khó. Mình phải tự rút kinh nghiệm, lần sau tôi sẽ cố gắng đến sớm hơn để có được chỗ ngồi đẹp hơn", cô nói.
Ở lần đầu tiên tới sân xem và cổ vũ tuyển Việt Nam thi đấu, Phương Thảo gặp vấn đề mà hầu hết người đến sân đều bị ít nhất một lần: phân tâm và không thể tập trung vào diễn biến trên sân. "Có quá nhiều chi tiết, sự kiện xung quanh khiến mình mất tập trung. Tôi thường xuyên bỏ lỡ tình huống bóng", khán giả nữ nói.
"Tình huống trọng tài từ chối bàn thắng thứ 2 của tuyển Nhật Bản là điển hình. Tôi mất khá lâu để nhận biết điều gì đang xảy ra, dù trước đó, tôi biết Ito đã đưa bóng vào lưới. Tôi nghĩ, khi theo dõi qua tivi, góc nhìn từ máy quay chỉ tập trung vào trận đấu và có thêm cả bình luận viên nữa, nên việc tập trung được dễ dàng hơn".
Đổi lại, Phương Thảo cho rằng xem trực tiếp trên sân là trải nghiệm khá thú vị, khi được tận mắt thấy các cầu thủ thi đấu cũng như tận hưởng không khí sôi động mà việc theo dõi qua truyền hình khó có được.
Kết thúc trận đấu, tuyển Việt Nam nhận thất bại 0-1 trước Nhật Bản. Đội bóng áo đỏ thua nhưng cô gái 25 tuổi cho rằng đó là kết quả tốt khi đối thủ là đội bóng hàng đầu châu Á. "Kể cả thua 2 bàn, các cầu thủ vẫn không đáng trách khi đối thủ vượt trội về đẳng cấp", cô nói.
"Tôi chỉ hơi tiếc nuối một chút khi trận đấu không có quá nhiều khán giả, và phải ngồi giãn cách, nên khó kết nối cảm xúc và không có được những phút giây vỡ òa. Có lẽ, khi sân được đón 100% khán giả, trải nghiệm về cảm xúc sẽ rất khác".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/den-san-my-dinh-xem-bong-da-trong-binh-thuong-moi-post1276875.html