Đến tận nhà dân để tiêm vaccine COVID-19
Trên 60% ca tử vong do COVID-19 ở TP Thủ Đức đều chưa tiêm vaccine, trong đó có cả trường hợp không có bệnh nền.
Chiều 13-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Hơn 60% ca tử vong ở TP Thủ Đức đều chưa tiêm vaccine
Thông tin tại buổi họp báo, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết theo thống kê có hơn 60.000 người tại TP Thủ Đức thuộc nhóm nguy cơ cao và đang được tiêm mũi nhắc lại, mũi tăng cường. “Trên 60% ca tử vong ở TP Thủ Đức đều chưa tiêm vaccine, trong đó có cả trường hợp không có bệnh nền” - ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, nhiều gia đình có ông bà, cha mẹ lớn tuổi, kèm bệnh lý nền nghiêm trọng như tai biến, bệnh nan y nên có tâm lý sợ tiêm vaccine sẽ có biến chứng nguy hiểm. “Khi vận động tại địa phương, chúng tôi nắm danh sách người chưa tiêm nhưng vận động khó khăn. Gia đình thậm chí ký giấy đồng ý không tiêm vaccine” - ông Tùng nói và tha thiết mong người dân đi tiêm vaccine phòng dịch COVID-19.
Chính vì vậy, ông Tùng kiến nghị cần thông tin số ca tử vong do chưa tiêm vaccine của toàn TP.HCM và cập nhật hằng ngày con số này, để thông qua đó người dân thấy được nguy cơ cao khi chưa tiêm. “Người dân TP Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung cần hiểu rằng tiêm vaccine là tự bảo vệ chính mình. Nếu người dân không có điều kiện đến trạm y tế, chúng tôi sẵn sàng đến tiêm tại nhà” - ông Tùng nói.
Ngay sau đó, khi đặt câu hỏi, PV cho rằng trong báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về đánh giá cấp độ dịch luôn khẳng định 100% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. “Nhưng trên thực tế tại TP Thủ Đức có trên 60% bệnh nhân COVID-19 tử vong chưa tiêm mũi nào và tại các quận, huyện, số người chưa tiêm vaccine vẫn còn nhiều. Vì sao có sự chênh lệch số liệu này?” - PV hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), lý giải rằng do tình hình di biến động dân cư ở TP.HCM phức tạp. “Việc tính tỉ lệ tiêm dựa trên thống kê dân số ở một thời điểm nhất định, trước dịch và bây giờ khác nhau” - ông Tâm nói và cho rằng không hề có mâu thuẫn trong báo cáo.
Theo đó, việc tính tỉ lệ tiêm dựa trên thống kê dân số ngày 30-6. Nếu tính theo thống kê ban đầu, thậm chí TP.HCM đã đạt độ phủ vaccine hơn 100% vì đã tiêm nhiều hơn số liệu của Chi cục Dân số. “Bây giờ chúng ta có tiêm hết đi nữa thì ngày mai, ngày kia có lượng người mới đổ về, có người chưa tiêm thì vẫn tổ chức tiêm” - ông Tâm nói thêm.
Hơn hai tháng mở cửa, TP.HCM xử phạt vi phạm
hơn 100 tỉ đồng
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua, lực lượng công an các quận, huyện và TP Thủ Đức đã duy trì tuần tra, kiểm soát thường xuyên để phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm phòng chống dịch.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, từ ngày 1-10 đến nay, Công an TP.HCM đã tổ chức trên 126 lượt tuần tra, kiểm soát, xử lý trên 87.000 trường hợp vi phạm Nghị định 100, phạt tiền trên 100 tỉ đồng. Nhắc nhở, xử lý 251 người vi phạm Nghị định 117, trong đó chủ yếu là do không đeo khẩu trang.
Ba hoạt động của nhà thuốc tư nhân chăm sóc F0
Trả lời câu hỏi về kế hoạch huy động nhà thuốc tư nhân tại TP.HCM tham gia chăm sóc F0 tại nhà, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết sở đã ban hành văn bản gửi đến 6.500 nhà thuốc về vấn đề này. “Nhà thuốc thường tập trung ở khu dân cư đông đúc, chợ, khu công nghiệp nên việc huy động nhóm này tham gia là rất thiết thực” - bà Mai nói.
Theo bà Mai, có hai hoạt động để nhà thuốc có thể phối hợp với ngành y tế trong việc chăm sóc F0. Thứ nhất là cung ứng đầy đủ vật dụng, thuốc cần thiết để chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người mắc COVID-19. “Nhà thuốc sẽ cung cấp thuốc không kê đơn hoặc thuốc đã được trạm y tế, mạng lưới thầy thuốc đồng hành kê đơn” - bà Mai nói.
Trong đó, các nhà thuốc được yêu cầu phải bán đúng giá và đảm bảo chất lượng. Nhà thuốc cũng có thể cung cấp sinh phẩm, test nhanh (loại được Bộ Y tế cho phép lưu hành) với giá cả phù hợp, đã đăng ký. Nếu đã đăng ký, nhà thuốc có thể bán các loại trang thiết bị y tế như máy SpO2, nhiệt kế, khẩu trang y tế…
Thứ hai là các nhà thuốc tham gia truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 với phương châm mỗi nhà thuốc là một tình nguyện viên. “Khi người dân có triệu chứng như sốt, ho, khó thở, nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn người dân đến trạm y tế lưu động để được chăm sóc” - bà Mai lý giải.
Thứ ba là nhà thuốc tham gia làm cầu nối giữa F0 với các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc COVID-19 cộng đồng. Theo đó, nhà thuốc cung cấp thông tin về trạm y tế, trạm y tế lưu động cho người dân.
Cũng theo bà Mai, UBND TP.HCM sẽ lựa chọn một số nhà thuốc để cung cấp túi thuốc A, B, C miễn phí cho người dân. “Tùy theo địa bàn, phòng y tế phối hợp với cơ quan chức năng để lựa chọn nhà thuốc, phối hợp chăm sóc F0” - bà Mai nói.•
TP.HCM: Chưa xuất hiện biến chủng mới Omicron
Trả lời câu hỏi về tình hình biến chủng mới Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang giám sát chặt chẽ, đặc biệt với nhóm người nước ngoài nhập cảnh thông qua đường hàng không, đường thủy.
Trong ba ngày qua, TP.HCM ghi nhận 1.597 người nước ngoài đến và tất cả được khám sàng lọc, ngành y tế phát hiện chín trường hợp dương tính với COVID-19. “Tất cả được giải mã trình tự gen và chưa phát hiện chủng mới Omicron” - bà Mai nói.
Liên quan đến việc báo chí thông tin nước bạn cấm chuyến bay từ TP.HCM đi Hong Kong, bà Mai cho biết cơ quan chức năng TP.HCM đã làm việc, sau khi giải mã trình tự gen của ba người đi từ TP.HCM thì đều nhiễm biến thể Delta, không phải Omicron.
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/den-tan-nha-dan-de-tiem-vaccine-covid19-1033446.html