Đền Thỏng 'kêu cứu'

Mỗi khi mưa xuống, nước mưa chảy thành dòng, hàng chục khay, đĩa, xô, chậu được trưng dụng để hứng, ngăn nước mưa rơi vào tượng, ban thờ, đồ lễ và các vật dụng bên trong... đây là thảm cảnh đang diễn ra tại đền Thỏng thuộc Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Tây Thiên, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo khiến nhiều người xót xa, khẩn thiết mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có phương án "cứu" đền.

Hàng chục xô, chậu, khay, đĩa được tận dụng để hứng nước mưa dột xuống tại đền Thỏng. Ảnh: Thiệu Vũ

Hàng chục xô, chậu, khay, đĩa được tận dụng để hứng nước mưa dột xuống tại đền Thỏng. Ảnh: Thiệu Vũ

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Tây Thiên ngày càng có diện mạo mới khang trang hơn, xứng tầm là điểm đến tâm linh, tham quan, vãn cảnh, chiêm bái Phật giáo hàng đầu của các phật tử và du khách thập phương.

Trong chuyến hành hương “đến với Phật, về với Mẫu” ở Tây Thiên, gần như tất cả các phật tử, du khách đều qua thăm viếng đền Thỏng (đền Trình) để kính cáo, bắt đầu cho chuyến tham quan, hành hương của mình.

Chính vì vậy, đền Thỏng có ý nghĩa rất đặc biệt, bên cạnh ý nghĩa tâm linh còn tạo những ấn tượng ban đầu với du khách về hệ thống đền, chùa cũng như cảnh sắc thiên nhiên ở Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Tây Thiên.

Ở vị trí quan trọng như vậy, thế nhưng, ít ai nghĩ rằng, bên ngoài vẻ trang nghiêm, cổ kính, linh thiêng, phía trong đền, nhiều hạng mục lại đang xuống cấp mà chưa được quan tâm tu bổ, sửa chữa do chưa có sự thống nhất và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh, hoạt động thờ cúng tín ngưỡng, tham quan vãn cảnh của người dân, phật tử bốn phương mà về lâu dài sẽ khiến đền hư hỏng nhiều đồ vật giá trị không thể khôi phục.

Ông Khổng Văn Thái, Thủ từ đền Thỏng chia sẻ: "Đền Thỏng nằm trong quần thể Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Tây Thiên, là điểm dừng chân đầu tiên để du khách tham quan, vãn cảnh, chiêm bái khu di tích.

Ngôi đền được xây dựng lại trên nền di tích cổ vào năm 1998 với kết cấu hình chữ Đinh, gồm tòa đại bái 3 gian, mái lợp hai tầng 4 mái, phần hậu cung gồm 1 gian hai trái chồng diêm 2 tầng 8 mái, trên ban đặt khám thờ tượng Quốc Mẫu.

Trải qua thời gian dài chưa được tôn tạo, tu bổ, ngôi đền đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là khoảng 2-3 năm trở lại đây, mái ngói bị xô lệch, hở ra nhiều khoảng trống, mỗi khi trời mưa xuất hiện hàng chục điểm thấm, dột.

Mọi người phải lấy xô, chậu, khay, đĩa để hứng nước mưa, nhưng cũng không xuể. Nước mưa thấm dột, ngấm vào hệ thống cột kèo, dui mè bằng gỗ gây mục ruỗng, hư hỏng. Ngoài ra, nhiều bộ vì, cột cũng bị mối xông, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Nhất là đợt mưa lớn tháng 5 vừa qua, nước chảy thành dòng, hứng không xuể, tràn hết vào đồ thờ cúng, nhìn rất xót xa. Nhiều du khách đến đây cũng không thể tưởng tượng nổi di tích quốc gia đặc biệt lại trong thảm cảnh như vậy.

Rất mong các cơ quan chức năng xem xét, khẩn trương triển khai các phương án tôn tạo, tu bổ để bảo vệ di tích lâu dài, vừa là vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, vừa đảm bảo an toàn cho du khách và nhân dân khi đến chiêm bái".

Theo tìm hiểu được biết, tình trạng xuống cấp của đền Thỏng đã diễn ra trong nhiều năm, huyện Tam Đảo, Ban Quản lý Khu di tích Tây Thiên cũng nhiều lần có văn bản báo cáo, tờ trình về việc triển khai tu bổ, tôn tạo di tích, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Ngói đền Thỏng bị xô trên mái, xuất hiện nhiều kẽ hở rộng, nên nước mưa thấm dột rất nặng. Ảnh: Thiệu Vũ

Ngói đền Thỏng bị xô trên mái, xuất hiện nhiều kẽ hở rộng, nên nước mưa thấm dột rất nặng. Ảnh: Thiệu Vũ

Tại cuộc kiểm tra đánh giá hiện trạng của đền mới đây nhất do Sở VH-TT&DL chủ trì phối hợp cùng huyện Tam Đảo và các ngành chức năng triển khai đã đánh giá thực trạng của đền đang rất xuống cấp.

Phần mái ngói sụt lún, nứt vỡ, rêu mốc gây dột 60% diện tích đền; dui, mè mục, võng do ngấm nước, hỏng 80%; bộ vì, cột (hầu hết bằng gỗ Xà Cừ) trát vá bê tông bị mối xông từ trong hư hỏng hỏng hơn 90%, không đảm bảo an toàn chịu lực.

Tàu mái bị mục, sụt (khu vực góc đao), mối xông hỏng khoảng 80%; hệ thống cửa, ô thoáng xuống cấp, xô lệch; tường vữa mục ải, rêu mốc 60%; hệ thống điện xuống cấp, đường dây đi ngoài mất thẩm mỹ, mất an toàn về công tác phòng cháy.

Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Phúc, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Tây Thiên Đỗ Quốc Trọng cho biết: "Việc triển khai tôn tạo, tu bổ đền Thỏng, UBND huyện Tam Đảo đã có tờ trình và được tỉnh đồng ý chủ trương bằng văn bản, tuy nhiên chưa xác định chủ đầu tư để tiến hành lập báo cáo tu bổ.

Đến ngày 19/11/2019, Sở VH-TT&DL có Văn bản số 1143 gửi UBND tỉnh, trong đó đề nghị UBND huyện Tam Đảo chỉ đạo Ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên (chủ đầu tư) để tiến hành lập dự án tôn tạo, tu bổ di tích đền Thỏng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, tại Quyết định số 170, ngày 24/1/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt danh mục di tích tu bổ, chống xuống cấp năm 2022, với 22 di tích, trong đó có đền Thỏng, lại giao cho Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Nhưng đến nay, việc tôn tạo, tu bổ vẫn chưa được triển khai. Di tích ngày một xuống cấp trầm trọng, nguy cơ hư hỏng, đổ sập bất cứ lúc nào. Rất mong UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, giao cụ thể chủ đầu tư để khẩn trương tiến hành quy trình tu bổ, tôn tạo đền Thỏng, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra".

Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81177/den-thong-%E2%80%9Ckeu-cuu%E2%80%9D.html