Đến tương lai bằng 'bệ đỡ' văn hóa

Ký ức và di sản văn hóa bản địa luôn ở đó, nhưng đi tìm kiếm nó hay không lại là lựa chọn của mỗi người. Nhận định như vậy, nhà sáng lập, giám đốc nghệ thuật của nền tảng văn hóa và nghệ thuật Lên Ngàn NGUYỄN QUỐC HOÀNG ANH chia sẻ quá trình trở về với truyền thống và đi đến tương lai từ di sản văn hóa.

Tìm về giá trị truyền thống

- Từng choáng ngợp với văn hóa phương Tây, xa cách khi nhìn về truyền thống, lý do nào khiến anh tìm lại giá trị xưa, những nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam trong sự kết nối và sáng tạo đương đại?

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh

- Tôi nghĩ rằng sự độc đáo nằm trong câu chuyện của mỗi cá nhân. Với tôi, lý do đầu tiên khá đơn giản, tìm lại ký ức tuổi thơ với cụ nội và ông bà của mình. Qua biểu đạt của nghệ thuật đương đại, tôi có thêm một phương thức khác để tiếp nối tiến trình nhận thức bản thân. Trên hành trình đó, tôi trở về với căn tính của mình, với những giá trị rất gần gũi với tôi. Tôi nghĩ muốn biết về nguồn gốc của mình vừa là một nhu cầu bản năng, vừa là một ý thức làm người cho dù ý thức ấy không phải là một nhu cầu thường xuyên và mạnh mẽ với câu hỏi: ta là ai, và ta từ đâu tới?

- Sau một thời gian những giá trị xưa bị lãng quên, gần đây, nhiều người trẻ có xu hướng trở về với truyền thống. Anh có nghĩ đây là một phong trào?

- Việt Nam có bề dày văn hóa đa bản sắc được cấu thành bởi nhiều cộng đồng dân tộc. Bề dày ấy thấm sâu vào chúng ta đến mức chúng ta thường không nghĩ đến. Bởi vậy, tôi nghĩ trở về với truyền thống là một tiến trình. Nó sẽ luôn luôn diễn ra ở mỗi người, xuất hiện sớm hoặc muộn, ít hay nhiều tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.

Tìm hiểu về truyền thống giúp thể hệ trẻ hiểu hơn quá khứ, hiểu rõ môi trường, bối cảnh xã hội mình đang sống và tất cả những gì liên quan đến nó. Nếu thế hệ trẻ không thể tìm về tổ tiên, giải mã để hiểu đúng di sản quá khứ, từ đó hiểu đúng chính mình, đúng căn tính của mình thì những chiến lược phát triển cho tương lai cực kỳ chông chênh. Tiếp cận thôi không đủ, mà phải sống với đó.

Di sản cũng như ký ức hay quá khứ của chúng ta vẫn luôn luôn ở đó, chờ đợi chúng ta quay trở về. Chúng ta có quyền lựa chọn sống cả đời không cần đến những ký ức ấy, không cần biết nguồn gốc của mình; nhưng chúng ta cũng có thể lựa chọn đi đến tương lai bằng bệ đỡ từ văn hóa.

- Làm thế nào để vừa gìn giữ được bản sắc, truyền thống, vừa tận dụng được nó làm bệ đỡ để đi đến tương lai như anh vừa nói?

- Giữ gìn bản sắc, theo chiều sâu, phải là sự tái dụng văn hóa truyền thống trong đời sống thường nhật của con người, tức là đưa cộng đồng - những người chủ của văn hóa - trở về với đúng vị trí của mình, kết nối họ với bối cảnh văn hóa bản địa. Đó là lý do chúng ta cần những người thực hành truyền thông, các tổ chức, doanh nghiệp gắn kết lợi ích phát triển của mình với cộng đồng văn hóa và đồng thời cũng thúc đẩy tính nhân văn trong cách phát triển phân khúc khách hàng trung thành với thương hiệu thông qua văn hóa.

Chúng ta hay nói truyền thống, nhưng truyền thống nào, phục vụ ai, và để làm gì? Đó là những câu hỏi mà người thực hành nghệ thuật phải suy nghĩ trước khi làm. Tôi cho rằng, khi ứng xử với di sản, văn hóa, nếu thiếu sự chân thành, tầm nhìn chiến lược, thì có thể sẽ xuất hiện hiện tượng sản xuất hàng loạt, nhanh và thiếu chất lượng. Đôi khi tôi cảm thấy chúng ta phát triển quá nóng, dù có nhiều chính sách về phát triển văn hóa, nỗ lực từ cả khối nhà nước cũng như khối tư nhân, nhưng phần nào đó chưa thể tận dụng được hết tiềm lực của quốc gia cũng như địa phương về văn hóa - nghệ thuật.

Bảo tồn nguyên hiện trạng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là bảo tồn “động”, tức là phát triển truyền thống đó. Chúng ta cần có sự hiểu biết sâu sắc, một tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển văn hóa bền vững, lấy con người làm trung tâm dù bất kể đó là âm nhạc, sân khấu, trình diễn, thời trang hay ẩm thực...

Đi xa hơn bằng văn hóa

- Sau khi trở về và kết nối với truyền thống, những nét độc đáo của văn hóa Việt đã được anh đưa vào nhiều tác phẩm, dự án. Dự định sắp tới của anh trong lĩnh vực này?

Tác phẩm “Sơn hậu - Beyond the Mountain” của Lên Ngàn. Ảnh: Tuấn Đào

Tác phẩm “Sơn hậu - Beyond the Mountain” của Lên Ngàn. Ảnh: Tuấn Đào

- Mục đích của Lên Ngàn là thúc đẩy những tiếng nói cá nhân trong nghệ thuật, tạo sự kết nối liên ngành, đưa chất liệu di sản bản địa Việt Nam vào tác phẩm/dự án mới. Chúng tôi cũng cố gắng mang lại nhiều hơn nguồn lực, không chỉ trợ giúp nghệ sĩ phát triển sự nghiệp, mà còn hỗ trợ kết nối về tài chính, cũng như kết nối các định chế về văn hóa nghệ thuật từ nhà nước và tư nhân.

Lên Ngàn cũng mong muốn thông qua các hoạt động của mình để quảng bá văn hóa của Việt Nam - một nền văn hóa đa bản sắc. Đồng thời, kết nối văn hóa, nghệ thuật và con người - tại Việt Nam và quốc tế bằng việc quảng bá công việc của các nghệ sĩ và nhà văn hóa Việt Nam cũng như các nghệ sĩ quốc tế có bất kỳ kết nối nào với Việt Nam; qua đó mở rộng đường biên cách hiểu về ‘văn hóa nghệ thuật đến từ Việt Nam’.

Năm 2023, Lên Ngàn khởi xướng sáng kiến văn hóa nghệ thuật Thanh Cảnh, nhằm mang đến cho các nghệ sĩ tiềm năng của Việt Nam cơ hội học hỏi, sáng tạo và phát triển, vượt ra ngoài lĩnh vực của họ và thể hiện những biểu đạt nghệ thuật cá nhân trong bối cảnh rộng lớn hơn.

- Theo anh, cần có những chính sách như thế nào để thúc đẩy quá trình phát triển từ di sản văn hóa?

- Nếu coi văn hóa ngang hàng với kinh tế - xã hội, thì những dự án trong lĩnh vực văn hóa, điển hình là các dự án liên quan tới phát triển con người, cũng có thể huy động nguồn vốn, trí tuệ, năng lực vận hành của khối tư nhân qua hợp tác công tư (PPP). Đầu tư trong lĩnh vực văn hóa khá đặc thù, cần có những cam kết và bảo hộ từ phía nhà nước, hiệu quả phải tính trong một thời gian dài, không dễ hấp dẫn đầu tư từ khối tư nhân. Vì vậy, phải có chính sách đặc biệt hơn.

Nhà nước có thể đưa ra các quy định cụ thể để bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam trước mặt tối của toàn cầu hóa, định hướng thúc đẩy trách nhiệm công nghiệp văn hóa; nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của phát triển văn hóa bền vững gắn liền với lợi ích của cộng đồng...

Tôi nghĩ rằng với một tâm thế cởi mở, thấu hiểu từ phía cơ quan quản lý sẽ tạo ra không gian phát triển, từ đó tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo mới truyền thống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.

- Xin cảm ơn anh!

Thảo Nguyên thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/den-tuong-lai-bang-be-do-van-hoa-i334713/