Dẹp xe dù, bến cóc để Bến xe Miền Đông mới phát huy hiệu quả
Sở GTVT TP.HCM sẽ tham mưu UBND TP về chỉ thị liên quan đến đón trả khách sai quy định, quy rõ trách nhiệm từng đơn vị.
Sáng 6-11, chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” số 11 với chủ đề Quy hoạch và quản lý bến xe, bãi đỗ xe TP đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đặc biệt, người dân đã quan tâm tới việc di dời Bến xe Miền Đông (BXMĐ) và tình trạng xe dù, bến cóc hiện nay.
Bến cóc mọc lên, bến xe kiến nghị khẩn
Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Ban BXMĐ mới, thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), cho biết hiện SAMCO là đơn vị quản lý năm bến xe ở TP.HCM.
Hiện SAMCO đã đưa vào hoạt động BXMĐ mới theo đúng mục tiêu quy hoạch, di dời hơn 100 tuyến xe từ BXMĐ về BXMĐ mới trong hai giai đoạn. Trong quá trình chuyển đổi còn nhiều khó khăn, như các đơn vị không mang xe vào bến hoạt động vì cho rằng sẽ phát sinh thêm chi phí khi phải tổ chức một số xe trung chuyển.
Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối từ BXMĐ mới với quốc lộ 1 chưa thuận tiện, mất thêm nhiều thời gian, metro chưa hoạt động, xe buýt chưa nhiều... nên chưa phát huy hiệu quả.
Đại diện SAMCO kiến nghị TP.HCM sớm xem xét các quy định vận chuyển trong nội đô, cấm xe khách và xe giường nằm di chuyển vào nội đô TP. Bên cạnh đó, Sở GTVT cần có giải pháp để đồng hành cùng SAMCO trong thời gian tới.
Tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” sáng 6-11, nhiều người dân đã gửi câu hỏi về việc TP thiếu các bãi giữ xe. Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm lòng đường, đón trả khách sai quy định đã gây ùn tắc và mất an toàn giao thông, vậy cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao?
Trả lời vấn đề trên, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC08), cho biết hiện nay tình trạng dừng, đỗ sai quy định diễn ra phổ biến. Từ đầu năm đến nay, PC08 và công an các quận, huyện, TP Thủ Đức đã xử lý hơn 33.000 trường hợp vi phạm với khoảng 20 tỉ đồng. Ngoài ra, các đơn vị còn xử phạt bằng hình ảnh với 17.000 trường hợp, số tiền phạt là 11 tỉ đồng.
Đối với tình trạng dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định tại các khu vực sau khi di dời về BXMĐ mới được dư luận quan tâm, PC08 đã chủ động xây dựng kế hoạch để xử lý xe dù, bến cóc. Qua 10 tháng đã xử lý 4.000 trường hợp vi phạm với gần 14 tỉ đồng tiền phạt nộp qua kho bạc nhà nước. Sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục xử lý nóng, xử lý qua hình ảnh để răn đe, xử lý các trường hợp vi phạm.
Hạ tầng cần sớm hoàn thành, nâng cao trách nhiệm của địa phương
Trước những kiến nghị trên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết BXMĐ mới là đầu mối giao thông lớn, kết nối với metro số 1, các tuyến cao tốc và các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay BXMĐ mới chưa có sự đồng bộ về hạ tầng kết nối.
Hiện nay, TP có năm bến xe liên tỉnh rất lớn. Khi BXMĐ mới đi vào khai thác, TP đã lựa chọn thời điểm và tính toán đưa bao nhiêu tuyến về để bến mới vận hành.
“Các vấn đề này đã được bàn bạc, đánh giá rất thận trọng để hạn chế khả năng bến xe khai thác không hiệu quả. Chúng ta cần làm từng bước để việc chuyển tiếp từ BXMĐ sang BXMĐ mới được thuận lợi” - ông Lâm nhận định.
Tuy nhiên, khi chuyển qua BXMĐ mới, nhiều đơn vị vận tải lại chuyển qua hoạt động ở bến xe khác như Ngã Tư Ga, Bến xe An Sương và Bến xe Miền Tây. Lúc này, số chuyến tại BXMĐ mới bị giảm sút. Bên cạnh đó, còn có tình trạng người dân ngại di chuyển tới BXMĐ mới với tuyến gần như Bà Rịa-Vũng Tàu, thay vào đó họ đến các bến xe khác. Vì vậy, Sở GTVT cũng đã họp và có kế hoạch tổng thể.
Đầu tiên, cần sớm hoàn thành cơ sở hạ tầng. Trong đó, cầu vượt trước BXMĐ mới sẽ hoàn thành vào năm 2024, metro sẽ hoàn thành vào năm 2023… Lúc này, việc tổ chức giao thông sẽ thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng xây dựng Đề án cấm xe giường nằm và xe trên 30 chỗ vào trung tâm TP. Tất cả sẽ có lộ trình triển khai và thực hiện, dự kiến vào cuối năm 2022.
Đồng thời, để người dân đi lại thuận lợi hơn, TP đã và đang xây dựng thêm các tuyến xe buýt kết nối với BXMĐ mới. Ông Lâm cũng đề nghị bến xe và SAMCO cần nghiên cứu, đầu tư thêm các dịch vụ, tiện ích, chính sách khuyến mãi cho hành khách, doanh nghiệp.
Đối với tình trạng đón trả khách sai quy định, hiện sở đang tham mưu UBND TP xây dựng chỉ thị về quản lý trật tự đô thị, trong đó có vấn đề lòng đường và đón trả khách sai quy định. Trong đó, phân định rõ vai trò trách nhiệm cụ thể từ các địa phương, CSGT và Sở GTVT.
“Tình trạng đón trả khách sai quy định thuộc địa bàn nào thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm. Dự kiến kế hoạch này sẽ trình và ban hành vào cuối năm 2022” - ông Lâm nói. Song song đó, các đơn vị cần ứng dụng công nghệ để xử phạt qua camera, kiến nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng camera giám sát để xử phạt các trường hợp vi phạm.•
Kiến nghị tăng mức xử phạt
Ông Đàm Phan Phát, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, cho biết hằng tháng lực lượng thanh tra đều phối hợp với công an các quận, huyện, TP Thủ Đức và PC08 tiến hành kiểm tra, ban hành kế hoạch thanh tra đột xuất và hằng năm.
Lực lượng cũng áp dụng xử lý qua hình ảnh đối với khu vực nóng về đón trả khách, đồng thời tiếp tục phối hợp để kiểm tra ở các cây xăng, bến bãi do địa phương quản lý.
“Chúng tôi kiến nghị địa phương tăng cường kiểm tra, chỉ đạo xử lý. Bên cạnh đó là tăng mức xử phạt hành chính đối với trường hợp vi phạm và có thể tăng mức xử phạt như thu hồi phù hiệu, đình chỉ kinh doanh để có thể răn đe mạnh hơn” - ông Phát nhận định.