Dệt may than khó tiếp cận gói hỗ trợ Covid-19

Chỉ có chưa đầy 4% trong tổng số 3.143 doanh nghiệp dệt may cho biết đã tiếp nhận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Dệt may không nằm ngoài “cú đấm” của Covid-19

Theo bản cập nhật vào tháng 4/2020 của báo cáo thường niên về thời trang do McKinsey thực hiện, doanh thu ngành may mặc sụt giảm 30 – 40% tại các cửa hàng châu Âu và 80% tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm vi rút cao. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, dẫn đến sự bi quan lan rộng trong tâm lý của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 tác động đến cả nguồn cung và đầu ra của ngành dệt may.

Về nhập khẩu, các nguồn cung đầu vào bao gồm Mỹ - chiếm hơn 60% tổng giá trị nhập khẩu bông của ngành dệt, Trung Quốc – đóng góp tới gần 60% giá trị nhập khẩu vải đều là những điểm nóng về Covid-19 với số lượng ca nhiễm, tử vong cao hay quy mô bùng phát lớn.

Về xuất khẩu, Trung Quốc chiếm gần 70% thị phần xuất khẩu sợi còn ba khu vực chịu ảnh hưởng Covid-19 nặng nề là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu hàng may mặc.

Tính đến hết tháng 5/2020, xuất khẩu may mặc giảm gần 14% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều mức giảm chung của toàn ngành xuất khẩu. Mức nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may và da giày cũng giảm mạnh, phản ảnh sự đứt gãy về đầu ra đã tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu đầu vào.

Theo kết quả khảo sát của Tổng cục thống kê từ ngày 10 – 20/4/2020 với 3.143 doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI là đối tượng chủ yếu của chuỗi giá trị dệt may nên là nhóm chịu tác động tiêu cực lớn nhất do thiết hụt nguồn cung.

Theo nghiên cứu “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa” được bảo trợ và tài trợ bởi Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và ActionAid quốc rế tại Việt Nam, hàng loạt đơn hàng của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã bị hủy do thị trường châu Âu và Mỹ đều đóng cửa. Ngành may mặc có tỷ lệ hủy đơn từ 30 – 70% và sau khi tham gia sản xuất khẩu trang, tỷ lệ hủy đơn trung bình ở mức 25% tại các doanh nghiệp trong Vinatex.

Theo báo cáo hợp nhất quý I, lợi nhuận đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và ước tính lợi nhuận hết quý II/2020 giảm gần 60% so với cùng kỳ.

Chị Phan Lê Huyền Gấm, nhân viên công ty Molax Vina tại Bình Tân, TP.HCM chia sẻ: “Tôi đã làm việc ở công ty này bốn năm nay và chưa bao giờ gặp phải khó khăn như bây giờ. Từ đầu năm đến nay, các đơn hàng liên tục bị hủy hoặc không xuất đi được, nhiều anh chị em đã phải nghỉ việc, giãn lương hoặc không nhận lương. Chúng tôi rất mong Nhà nước có các chính sách hỗ trợ cụ thể để chúng tôi có thể tồn tại được với nghề, vượt qua thời kỳ khó khăn này”.

Rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ

Nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhiều gói hỗ trợ đã ra đời. Một số chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may cũng được đề xuất, tập trung vào cả chính sách tài khóa và tiền tệ, hướng đến cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Tuy nhiên, số lượng tiếp cận được với các hỗ trợ này lại rất ít.

Khảo sát của Tổng cục thống kê chỉ ra rằng chỉ có 113 doanh nghiệp, chiếm 3,6% tổng số doanh nghiệp khảo sát, đã tiếp nhận chính sách hỗ trợ. Đáng chú ý hơn, trên 59% số doanh nghiệp cho biết đã biết đến thông tin hỗ trợ nhưng lại chưa biết đầu mối để tiếp cận chính sách.

Không chỉ vậy, nghiên cứu dệt may thực hiện bởi Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) của VNUA chỉ ra rằng doanh nghiệp còn khó tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ tín dụng.

Theo đó, hỗ trợ này phụ thuộc vào tiêu chuẩn thẩm định của từng ngân hàng thương mại, các ngân hàng sẽ xét duyệt khoản vay theo quy chế, quy định riêng của từng ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện một loạt thủ tục phức tạp về đánh giá thiệt hại, chứng minh thanh khoản, có tài sản đảm bảo, chứng minh hiệu quả dự án.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản cho phép hoãn đóng bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc nhưng trên thực tế, để giữ chân lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng không để công nhân phải nghỉ việc. Các doanh nghiệp buộc phải bố trí giãn việc, cho công nhân đi làm luân phiên, đồng nghĩa với việc không được hoãn đóng phí bảo hiểm, gây khó khăn cho lĩnh vực dệt may vốn đặc thù về lao động.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc MCSS, cho rằng các chính sách hỗ trợ cần phải đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách; bao gồm cần xác định rõ các đối tượng với những mức độ ưu tiên khác nhau, triển khai nhanh chóng và tính đến tính khả thi cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, ông Thành khuyến nghị với các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất mà doanh nghiệp đã nộp cho năm 2019 nên được trừ vào các khoản phí cần đóng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn của năm 2020 thay các khoản thuế phải nộp.

Bên cạnh đó, cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội cho toàn bộ doanh nghiệp từ 3 – 6 tháng đầu năm 2020, không khống chế tỷ lệ phần trăm lao động phải nghỉ việc.

Hoài An

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/det-may-than-kho-tiep-can-goi-ho-tro-covid-19-1593482703882.htm