ĐHĐCĐ OCB: Các khoản vay rủi ro lớn của FLC, Đại Nam đã thu hồi xong, gộp cổ tức 2022 và 2023
Tại buổi họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Ngân hàng OCB, nhiều cổ đông thắc mắc về phần nợ xấu với các khách hàng như FLC hay Đại Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho biết đã thu hồi xong các khoản nợ này.
Trong buổi họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), nhiều ý kiến thắc mắc của các cổ đông đã được đưa ra xoay quanh những vấn đề nóng trong hoạt động cho vay của ngân hàng trong thời gian qua.
Đâu là cơ sở để ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tới 37% trong khi năm 2022 vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đặt ra?
Trong năm 2023, mục tiêu của OCB đặt ra là tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, thúc đẩy hoạt động bán lẻ. Mục tiêu tổng tài sản gia tăng 25% lên mức 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động vốn thị trường 1 tăng 26% lên mức 173.087 tỷ đồng. Mục tiêu cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ là 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Điều đáng nói đó là trong năm 2022, ngân hàng chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 4.389 tỷ đồng, tương đương 62% kế hoạch năm đề ra. Điều này đã khiến nhiều cổ đông có ý kiến thắc mắc xung quanh cơ sở khiến ban lãnh đạo ngân hàng tự tin đặt mục tiêu cao như vậy trong năm 2023.
Trả lời thắc mắc, Chủ tịch Trinh Văn Tuấn cho rằng thị trường có diễn biến khả quan, thuận lợi trong năm 2023. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng vẫn đang đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng và khiêm tốn.
Đối với việc không hoàn thành chỉ tiêu năm 2022, nguyên nhân là bởi hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ không đạt lợi nhuận. Dù vậy nhưng hoạt động kinh doanh chính trong năm 2022 vẫn đạt lợi nhuận, tăng trưởng đạt 29%, là mức cao nhất từ trước đến giờ.
Cổ đông thắc mắc về phương án và thời gian chia cổ tức
Vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm nhất đó là việc chia cổ tức năm 2022 với thông tin chia cổ tức tỷ lệ 30% nhưng hiện tại vẫn chưa thấy được chia cổ tức. Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn chia sẻ, phía Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc tăng vốn, tuy nhiên các thủ tục tiếp theo vẫn đang còn thiếu sót và chậm trễ do đó chưa thực hiện được trong năm vừa qua.
Ngân hàng dự định sẽ gộp phần cổ tức năm 2023 và 2022 để thực hiện chi trả trong năm nay. Ngay sau khi tăng vốn điều lệ sẽ hoàn thành các thủ tục với Ngân hàng nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để chi trả cổ tức cho cổ đông.
Phương án xử lý đối với các khoản nợ xấu của đối tác như FLC hay Đại Nam
Cổ đông OCB đưa ra thắc mắc về việc phần nợ xấu của các đối tác như FLC hay Đại Nam liệu có làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng hay không?
Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho biết hiện tại các khoản vay gặp rủi ro lớn của FLC, Đại Nam đã đượ thu hồi xong, phía ngân hàng đã chia 2 bước thu hồi toàn bộ tài sản đang thế chấp. Cả 2 danh mục tài sản đều đã có người mua nhưng phía ngân hàng đang tạo điều kiện cho khách nộp tiền và bán lại cho bên thứ 3.
Đối với tòa nhà FLC có địa chỉ nằm tại 265 Cầu Giấy, phía OCB đã có chủ trương mua với giá hợp lý trong năm 2022. Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục sang tên, phía FLC cũng đang vi phạm hợp tác nên OCB đã chấm dứt giao dịch với FLC. Phía FLC cũng đã xin trả nợ toàn bộ và thanh toán đầy đủ khoản nợ này.
Đối với nợ xấu OCB trong năm 2022, ngân hàng cho biết nợ xấu tăng mạnh so với năm 2021 là do cách tính toán và chuẩn mực kế toán thay đổi. Tuy nhiên, với chuẩn mực kế toán mới trong năm 2022, OCB cùng các tổ chức khác sẽ phải tính toán lại các khoản nợ xấu của khách hàng bị ảnh hưởng. Mục tiêu trong năm 2023, ngân hàng sẽ cố gắng kéo nợ xấu giảm xuống thấp hơn so với kế hoạch đặt ra, tỷ lệ nợ xấu phấn đấu dưới 3%.