ĐHQG TPHCM chưa phê duyệt cho Phổ thông Năng khiếu tổ chức thi chương trình AP
Đại diện ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng, Trường Phổ thông Năng khiếu chưa được cho phép bằng văn bản thực hiện thi chương trình AP.
Ngày 13/2, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: "Ai cho Trường Phổ thông Năng khiếu tổ chức ôn và thi chương trình AP?".
Bài viết phản ánh Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông báo tổ chức ôn và thi chương trình AP (Advanced Placement) do Tổ chức giáo dục College Board của Mỹ tổ chức. Các vấn đề về cơ sở pháp lý của việc tổ chức ôn, thi chương trình AP của Trường Phổ thông Năng khiếu gây nhiều băn khoăn.
Đặc biệt, ngày 6/2, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận rằng, cho đến nay, cơ quan chủ quản của nhà trường vẫn chưa có văn bản đồng ý cho phép nhà trường thực hiện chương trình này.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, chiều ngày 8/2, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh – Trưởng ban Đối ngoại, Phát triển Dự án thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa soạn đăng tải nguyên văn cuộc trao đổi.
Phóng viên: Xin Tiến sĩ cho biết quan điểm của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề tổ chức thi chứng chỉ AP của Trường Phổ thông Năng khiếu? Có thông tin cho rằng, việc tổ chức thi AP như vậy là vi phạm vào Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ cho biết ý kiến về vấn đề này?
Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh: Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ không đề cập đến việc liên kết tổ chức thi, đánh giá người học, mà chỉ đề cập đến việc liên kết đào tạo. Nhà trường và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã rà soát lại, không có văn bản pháp quy nào quy định về việc tổ chức thi, đánh giá năng lực của người học.
Kỳ thi chứng chỉ AP là kỳ thi có uy tín, đem lại lợi ích rất lớn cho người học. Người học tại thành phố sẽ không cần sang các nước lân cận để thi, mà có thể ngay tại Trường Phổ thông Năng khiếu.
Đây là việc rất tốt cho học sinh, đặc biệt là các em học sinh giỏi của trường, vì không mất thời gian đi thi ở nước ngoài.
Tôi khẳng định chỉ là ôn thi và thi AP.
Do thời gian công bố thông tin cận Tết quá, nhà trường có thể muốn chia sẻ ngay thông tin này tới rộng rãi mọi người nên có sự chưa rõ ràng về thông tin.
Do đó, việc Trường Phổ thông Năng khiếu tổ chức ôn và thi chương trình AP là không vi phạm vào điều 6 của Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Phóng viên: Cho tới nay, việc tổ chức ôn và thi chứng chỉ AP của Trường Phổ thông Năng khiếu đã được cơ quan chức năng nào cho phép bằng văn bản, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh: Về mặt chủ trương, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn ủng hộ việc Trường Phổ thông Năng khiếu được College Board ủy quyền tổ chức thi chương trình AP tại Việt Nam.
Việc này hiện đang được các ban chuyên môn của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ trường chuẩn bị, hoàn thành hồ sơ, trình Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định.
Sau khi được hội đồng thẩm định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định xong, lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mới có kết luận bằng văn bản là cho phép hay không cho phép nhà trường thực hiện việc này.
Thế nhưng, vừa qua, nhà trường lại công bố thông tin tổ chức thi chứng chỉ này lên website nhà trường, và được các cơ quan báo chí đăng tải lại là nơi vội vã, nôn nóng, và cũng cần được rút kinh nghiệm sâu sắc.
Phóng viên: Trường Phổ thông Năng khiếu thực hiện việc tổ chức thi chứng chỉ AP dựa trên căn cứ pháp lý nào, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh: Tôi sẽ ghi nhận ý kiến này của phóng viên, trao đổi lại với hiệu trưởng và các ban chức năng của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, rồi sẽ có phản hồi lại sớm.
Tuy nhiên, đến ngày 12/2/2023, Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh vẫn chưa phản hồi lại ý kiến này của phóng viên.
Trong khi đó, ngày 6/2/2023, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có trao đổi với ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này của Trường Phổ thông Năng khiếu.
Ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: " Cho đến nay, Trường Phổ thông Năng khiếu vẫn chưa báo cáo, xin phép Sở về việc tổ chức ôn và thi chương trình AP tại thành phố dành cho học sinh trung học phổ thông.
Mặc dù Trường Phổ thông Năng khiếu là đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công quản lý chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố về mặt chuyên môn. Do đó, hiện Sở đang yêu cầu nhà trường gửi báo cáo về việc này.
Như trao đổi của TS Bùi Thị Hồng Hạnh - Trưởng ban Đối ngoại, Phát triển Dự án thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì: "Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ không đề cập đến việc liên kết tổ chức thi, đánh giá người học, mà chỉ đề cập đến việc liên kết đào tạo. Nhà trường và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã rà soát lại, không có văn bản pháp quy nào quy định về việc tổ chức thi, đánh giá năng lực của người học".
Trong khi đó, NQ 29/NQ-TW 2013 về đổi mới căn bản toàn diện GDĐT, Trung ương chỉ đạo: Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là về chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam.
Theo trả lời trên của đại diện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và của nhà trường thì, chương trình hoàn toàn do phía đối tác nước ngoài kiểm soát, vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo trên của Trung ương?