Đi qua làng cổ (Kỳ cuối: Cần tái cấu trúc không gian ven biển)
Là một thành tố trong nền văn hóa biển Đà Nẵng, tín ngưỡng cư dân ven biển Đà Nẵng nói chung, các làng biển nói riêng sẽ đóng một vị trí, vai trò to lớn trong nền kinh tế biển nơi đây, góp phần tạo dựng diện mạo thành phố hiện đại, năng động nhưng vẫn mang đậm dấu ấn truyền thống. Vậy làm thế nào để duy trì chủ thể, các hoạt động tín ngưỡng của cư dân ven biển Đà Nẵng trước nguy cơ mai một, biến mất?
"Một trong những vấn đề đặt ra là phải làm sao cho cư dân ven biển thực sự bám biển, tạo điều kiện cho họ có chỗ ở ổn định để phát triển nghề nghiệp của mình. Bám biển vừa là để làm ăn sinh sống, vừa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và đồng thời là để bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống. Giải pháp này cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành chức năng. Bởi khi Đà Nẵng đã xác định kinh tế biển là một trong 3 trụ cột chính, thì việc đầu tư, tiếp sức cho ngư dân là việc làm cần kíp nhất" - Giám đốc Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng.
Đánh thức tiềm năng sẵn có
"Hơn lúc nào hết, chính quyền đô thị Đà Nẵng phải hết sức tỉnh táo, để tìm được con đường phát triển của riêng mình, phù hợp với quỹ thiên nhiên mình đang có và đang mất, không bị trả giá bởi những giá trị văn hóa lịch sử đang bị thách thức", GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi - Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị UAI (Đại học Xây dựng) nói.
Theo ông Khôi, về mặt tài nguyên văn hóa-lịch sử, Đà Nẵng sở hữu nhiều di sản văn hóa đô thị, là điểm trung gian của hành lang di sản miền Trung kéo dài từ phía Bắc là Cố đô Huế, tới phía Nam là Phố cổ Hội An. Đà Nẵng nằm ở khu vực miền Trung với sự giao thoa của các nền văn hóa và sắc tộc vùng miền với Thánh địa Chămpa, Mỹ Sơn, các di sản thiên nhiên được thế giới công nhận. "Không ít thành phố ở Việt Nam đã không giữ hoặc bảo tồn được không gian phố cổ, phố cũ, nơi ghi dấu ấn về hoạt động của cộng đồng dân cư đầu tiên đến sinh sống tại địa phương mà ta thường gọi là cư dân gốc. Ở Đà Nẵng có Phố Thị thuộc tuyến Nguyễn Tất Thành bám theo bờ biển Đông Bắc và làng chài ven biển gần bán đảo Sơn Trà là những điểm dân cư với các hoạt động nghề truyền thống và địa điểm sinh sống có giá trị như những không gian Nơi chốn...", KTS Doãn Minh Khôi nhìn nhận.
Nhấn mạnh thêm, yếu tố hấp dẫn nhất của Đà Nẵng chính là bờ biển dài mênh mông. Ở Việt Nam có một số đô thị biển (Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn) cùng có cấu trúc biển - núi và hình thái của 2 khu vực bãi biển. Tuy nhiên, Đà Nẵng có khác một chút khi được sở hữu hai bãi biển và cả hai đều được chiêm ngưỡng bán đảo Sơn Trà. Bán đảo Sơn Trà là món quà của thiên nhiên tặng cho Đà Nẵng nói chung và bãi biển Đà Nẵng nói riêng. Đây là khu vực làng chài ngày xưa, như đã nói ở trên, chúng không chỉ cần được tái dựng lại với các hoạt động nghề truyền thống đi biển, vốn là kế sinh nhai vĩnh cửu của cư dân ven biển, mà còn tái cấu trúc các không gian sinh hoạt cộng đồng như chợ cá, lễ hội thuyền chài và du lịch trải nghiệm biển. Đó là điều cần làm đối với khu vực ven biển Đà Nẵng.
Phát triển bền vững và hài hòa
Một trong những kiến giải để Đà Nẵng phát triển bền vững, theo ông Khôi, Đà Nẵng là một trong những thành phố được thừa hưởng quỹ thiên nhiên và quỹ "Văn hóa đô thị" phong phú. Các di sản kiến trúc đô thị của Đà Nẵng là những tài sản vô giá thể hiện sự giao thoa của các nền văn hóa: Chămpa, Khơ Me, văn hóa Pháp và văn hóa Việt. Tuy nhiên, việc bảo tồn không có nghĩa là tạo hàng rào và giữ gìn, bảo quản không dám khai thác. Ngược lại, cần phải đưa các di sản kiến trúc hiện diện trong đời sống một cách sinh động. Sự cộng sinh giữa kiến trúc cũ và mới, giữa di sản cần bảo tồn và kiến trúc mới đương đại luôn là chủ đề mà giới kiến trúc cần nghiên cứu sáng tạo.
Một công trình đương đại xây dựng bên một kiến trúc di sản - nếu đúng ngữ pháp, nó có thể tạo sự âm vang cho kiến trúc di sản lớn hơn rất nhiều khi đứng một mình. "Trên thế giới đã có nhiều bài học về vấn đề này. Đà Nẵng là một thành phố trẻ. Các thành phố trẻ khi trưởng thành và phát triển không bao giờ quên quá khứ của mình. Thành phố Saint - Etienne (Pháp) ngay cả khi trở thành một "Thành phố xanh" cũng không quên quá khứ từng là một thành phố khai thác than đá. Ngày nay, khi đã chấm dứt khai thác than đá để trở thành một "Thành phố xanh", chính quyền đô thị vẫn khuyến khích các công trình điểm nhấn trong thành phố đều dùng màu "đen pha lê" của than đá. Thành phố Đà Nẵng cần quan tâm và tái cấu trúc lại khu vực phố cổ (Nguyễn Tất Thành) và khu vực làng chài ven biển (gần bán đảo Sơn Trà). Đó có thể là một trong những điểm kết tụ văn hóa bản địa, người ta có thể tham quan du lịch những khu vực này để hiểu về lịch sử của một thành phố phát triển", ông Khôi gợi mở. Đồng thời cho rằng, Đà Nẵng cần tạo thương hiệu, tiếng nói cho mình. Một thành phố phát triển cần có bản sắc. Không cần phải bắt chước các thành phố khác tạo các điểm nhấn là các kiến trúc cao tầng.
Giám đốc Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng cho biết, thời gian đến, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục kiên trì, quyết liệt tham mưu để có một "điểm nhấn" nêu trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ sắp tới, đó là phải có kế hoạch tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là văn hóa biển. Ngoài ra, ngành cũng sẽ phối hợp với các quận, huyện tiếp tục thực hiện những đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử ven biển đã làm và làm rất tốt thời gian qua, ví như ở quận Sơn Trà và Thanh Khê; đặc biệt là tại Q. Liên Chiểu, khi mới đây làng chài Nam Ô đã được "giải cứu" trước thời khắc "khai tử".
Theo TS Lê Thị Thu Hiền - giảng viên khoa Lịch sử (ĐHSP Đà Nẵng), cần phải có những định hướng, giải pháp kịp thời, thiết thực để trước hết là bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng biển truyền thống của cha ông bao đời nay, và sau nữa là khai thác hiệu quả, hợp lý những giá trị văn hóa đó, nhằm biến nó thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng trong hiện tại và ở tương lai.
TS Hiền cho rằng, ngư dân là chủ thể của tín ngưỡng, văn hóa biển đảo, do đó, cách bảo tồn hiệu quả nhất phải do chính chủ nhân của văn hóa, tín ngưỡng này thực hiện và duy trì thường xuyên trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng ngày gắn với môi trường biển. Vì vậy, Nhà nước và chính quyền thành phố Đà Nẵng cần phải tiếp tục nâng cao đời sống cho cư dân biển đảo bằng tăng cường các chính sách hỗ trợ vùng miền, đa dạng hóa sản phẩm từ biển, nhất là thế mạnh của du lịch biển đảo, tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngư dân có thể đánh bắt xa bờ thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ dựa trên việc bám biển của ngư dân. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thành phố cần đầu tư mạnh cho văn hóa, tín ngưỡng địa phương, đặc biệt là văn hóa, tín ngưỡng cư dân ven biển. "Những sản phẩm bắn pháo hoa quốc tế, lễ hội đường phố... có thể dễ dàng bị bắt chước, nhanh nhàm chán và điều đó sẽ khiến kinh tế du lịch thành phố không phát triển bền vững, một khi không có những sản phẩm đặc trưng riêng có của vùng đất. Và muốn hình thành cái riêng đó chỉ có thể sử dụng chất liệu là "văn hóa truyền thống", "bản sắc văn hóa" đã được kết tinh hàng trăm năm của vùng đất Đà Nẵng", TS Hiền nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng của cư dân ven biển Đà Nẵng là vấn đề quan trọng, mang tính cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bảo tồn và phát huy không đơn giản là gìn giữ được những giá trị văn hóa biển đảo mà quan trọng hơn chính là khơi dậy tình yêu biển đảo đối với cộng đồng, để những di sản tinh thần, vật chất đã gắn liền với người dân Đà Nẵng luôn song hành với đời sống của họ, tiếp thêm cho họ động lực vươn khơi, bám biển; góp phần xây dựng và phát triển một thành phố biển nói riêng, một quốc gia hướng biển hùng cường và giàu mạnh nói chung.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_221854_di-qua-lang-co-ky-cuoi-can-tai-cau-truc-khong-gi.aspx