Đi sắm tết cùng công nhân nghèo
Còn gần 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Công nhân, lao động (CNLĐ) làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An tranh thủ thời gian không tăng ca, ngày cuối tuần để đi sắm tết. Nhiều người mong muốn gia đình có một cái tết đầy đủ dù thu nhập còn thấp với nhiều khoản phải chi.
Cân nhắc nhiều trước khi mua sắm
Hòa trong không khí rộn ràng của mùa xuân mới, tất cả CNLĐ đều mong muốn mua sắm vật dụng, thực phẩm để gia đình đón một cái tết tươm tất. Có dành ít thời gian theo chân những CNLĐ, mới thấy hết những trăn trở trong lòng họ. Chợ lề đường trước KCN Tân Đức, Hải Sơn vào những chiều muộn luôn tấp nập người mua, người bán, khách hàng chủ yếu là CNLĐ. Họ tranh thủ ghé qua chợ sau giờ tan ca để mua những mặt hàng thiết yếu cho gia đình chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân - CN Công ty (Cty) TNHH Bùi Văn Ngọ, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, cho biết: “Quê tôi ở Bình Định, mấy năm trước không về quê, năm nay tôi cố gắng về thăm và ăn tết cùng gia đình nên mua một ít quà. Gia đình tôi khó khăn, tết này về tôi muốn mua cho con bộ quần áo mới, nhưng phải đi tham khảo giá mấy tuần nay rồi mới dám mua vì sợ mua hớ.Vì phải mua nhiều thứ khác nữa cho gia đình, nên tôi cố gắng tiết kiệm chi tiêu thì mới đủ”.
Còn chị Nguyễn Thị Thơ - CN Cty TNHH Cường Vinh, KCN Hải Sơn, cho biết: “Hầu hết CNLĐ như chúng tôi thu nhập không cao, chi tiêu phải cân nhắc, nhưng đi chợ tết nhìn cái gì cũng muốn mua. Tiền không có nhiều, chỉ đủ mua quà cho các thành viên trong gia đình.Nghĩ đến những đứa con và cha mẹ của mình được mặc áo mới vào dịp tết, tôi thấy có thêm động lực cố gắng làm việc hơn”.
Theo chia sẻ của nhiều CNLĐ, năm nào CN cũng được thưởng tết, dù ít hay nhiều. Ai cũng mong chờ tiền thưởng để có thêm tiền mua sắm tết cho gia đình.Người không có điều kiện về quê thì cũng gửi tiền về cho gia đình, mua sắm quần áo cho con.Tuy nhiên hiện nay, giá cả các mặt hàng ngày tết tiếp tục có xu hướng tăng nên để chọn mua được những món hàng phù hợp túi tiền của CNLĐ cũng không phải chuyện dễ dàng. Nhiều chị em muốn mua những chiếc áo mới hay những món đồ đắt tiền cũng phải đắn đo suy nghĩ, họ phải dạo nhiều vòng ở các chợ, tham khảo giá trước đó nhiều ngày rồi mới quyết định mua.
Chị Võ Thị Hạnh Nguyên - CN Cty TNHH túi xách Simone, Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, cho biết: “Quê tôi ở Thanh Hóa, tết năm trước, tôi đã dành tiền thưởng gửi về mua cho mẹ cái máy giặt. Năm nay, thời tiết lạnh hơn, tôi dự định mua quần áo ấm cho bố mẹ, mua chiếc áo khoác và đôi giày mới cho đứa con trai 5 tuổi. Năm nay chắc tôi lại không về quê, cũng buồn lắm nhưng nếu về thì lại phát sinh thêm chi phí tàu xe. Thôi gắng chịu, để dành tiền đó mua sắm thêm ít quà cho gia đình”.Khi chúng tôi hỏi, chị đã mua được gì cho bản thân mình chưa, chị Hạnh Nguyên chỉ mỉm cười.
Chỉ mua những món thật sự cần thiết
Tại những cửa hàng quần áo, giày dép đổ đống treo biển “thanh lý”, “xả hàng” trên các chợ lề đường dành cho CN vào cuối giờ chiều, chúng tôi gặp nhiều chị em CN mua sắm đồ tết. Qua khảo sát, chúng tôi thấy chị em chỉ chọn mua những món thật sự cần thiết. Họ phải cân đối chi tiêu vì thu nhập còn thấp. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh - CN Cty Tân Việt Sinh, Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, chia sẻ: “Theo suy nghĩ của mọi người, nhất là CNLĐ nghèo, hàng mới thì giá đắt, họ không đủ tiền mua nên phần lớn chấp nhận mua hàng xả, hàng khuyến mãi vì giá vừa rẻ mà vẫn bảo đảm”.
Chị Ngô Thị Chiên (quê ở Bắc Giang) - CN Cty Bảo Bảo, Khu công nghiệp Phúc Long, huyện Bến Lức, chọn được 3 bộ quần áo có vẻ rất ưng ý, nhưng khi hỏi giá 120 ngàn đồng/bộ, chị lại đắn đo, chần chừ rồi quyết định chỉ lấy 1 bộ áo hình công chúa Daisy cho con gái. Chị Chiên tâm sự: “Hàng thanh lý thì rẻ thật, nhưng tiền không có nhiều, tôi chỉ dám mua 1 bộ quần áo mới cho con diện tết. Số tiền còn lại, tôi dành mua gạo, nếp, chưa kể bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm,...Mình đi làm cả năm trời, tết về cũng phải có gói quà nhỏ cùng chút tiền mừng tuổi cho ông, bà nội, ngoại hai bên nữa. Đó cũng là lý do chung vì sao nhiều năm CN xa quê không dám về, dù ở lại phòng trọ buồn phát khóc”. Nhìn khuôn mặt hao gầy và dáng vẻ tất bật của chị, chúng tôi thầm nghĩ, có lẽ với những CN nghèo như chị, để sắm sửa tươm tất một cái tết cho gia đình là cả một sự cố gắng không nhỏ.
Chị Trần Thị Sen - CN Cty May Xuất khẩu Long An, cho biết: “Những năm trước mua hàng tết, tôi chỉ dám mua ở chợ CN hay chợ quê truyền thống vì giá rẻ, phù hợp túi tiền. Nhưng năm nay, tôi tới siêu thị sắm đồ. Tôi cũng muốn tự tay mua những mặt hàng thiết yếu ngày tết và mua quần áo cho các con để đi chúc tết ông bà. Dịp tết, ở siêu thị cũng có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nên tôi mua được khá nhiều đồ, hơn nữa lại thêm yên tâm vì hàng hóa chất lượng, xuất xứ rõ ràng”.
Một mùa xuân mới đang đến gần, những CNLĐ tất bật hoàn thành công việc được giao để tranh thủ thời gian đi sắm tết. Mỗi người một tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả họ cùng cố gắng lao động, làm việc, tích góp để mua sắm cho gia đình được đón một cái tết no ấm, và trọn vẹn hơn./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/di-sam-tet-cung-cong-nhan-ngheo-a87779.html