Đi tìm vẻ đẹp của chiếc khăn rằn

Cả đời gắn bó với chiếc khăn rằn, tình yêu đó cũng thôi thúc soạn giả Nhâm Hùng - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, viết tới 31 đầu sách, trong đó cuốn sách 'Văn hóa khăn rằn'.

Ông Nhâm Hùng.

Ông Nhâm Hùng.

PV: Thưa ông, bắt nguồn từ đâu mà ông muốn nghiên cứu sâu về chiếc khăn rằn của người dân Nam Bộ?

Soạn giả Nhâm Hùng: Tôi sinh ra ở Cần Thơ, gắn bó với chiếc khăn rằn từ nhỏ. In đậm trong tôi vẫn là hình ảnh chiếc khăn quàng trên cổ các bà, các mẹ. Là mẹ tôi mỗi buổi ra đồng, trong cái nắng gắt oi ả của miền Tây, lúc ngồi nghỉ trưa bà đều đưa chiếc khăn lên chặm mồ hôi. Là ba tôi đội khăn rằn chèo xuồng, lái ghe trong ráng chiều rực rỡ... Không biết tự bao giờ, khăn rằn đã trở thành nét đẹp văn hóa trên trang phục của mỗi người dân miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Rồi những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, khăn rằn theo chân chiến sĩ đi qua các chiến dịch. Cách mạng thành công, khăn theo người chiến sĩ về làng, đẹp bừng lên trong lao động sản xuất và hồn hậu trong cuộc sống thời bình.

Xã hội ngày càng phát triển, cứ ngỡ khăn rằn sẽ dần bị quên lãng, nhưng không, giờ đây những chiếc khăn rằn đã được thổi vào hơi thở mới, trẻ trung, năng động trong nhịp sống đương đại. Cùng với áo bà ba và nón lá, chiếc khăn rằn kết nên mối duyên lành gắn bó với người phương Nam hàng trăm năm qua.

Với cá nhân tôi, chiếc khăn rằn không chỉ là vật dụng thông thường mà nó còn mang giá trị văn hóa sâu sắc, không chỉ sử dụng với người Nam Bộ mà trong nhiều lĩnh vực đời sống. Tính văn hóa lan tỏa rộng khắp, và dù cách tân hay cổ điển, chiếc khăn rằn Nam Bộ vẫn luôn là một hình ảnh đẹp, biểu trưng cho sự nồng hậu, nghĩa tình, chất phác của người dân Nam Bộ.

Trưng bày khăn rằn tại Trường Đại học FPT Cần Thơ.

Trưng bày khăn rằn tại Trường Đại học FPT Cần Thơ.

Chiếc khăn rằn giờ không chỉ hiện diện trong đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn lên sàn diễn thời trang, theo chân các vị chính khách ra nước ngoài, tại các diễn đàn, hội nghị quan trọng. Ông cảm nhận thế nào về việc này?

- Tôi thấy mừng và tự hào. Nhất là mới đây, tại diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ IX năm 2024, một hình ảnh vô cùng đặc biệt có lẽ không chỉ với riêng tôi mà với rất nhiều người dân Nam Bộ, đó là khi hai vị chủ trì diễn đàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng quàng trên cổ chiếc khăn rằn.

Mặc dù khi chia sẻ với mọi người, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan có lý giải về thông điệp đeo chiếc khăn rằn bởi đó chính là hình ảnh của người nông dân, đại diện cho người nông dân - những hình ảnh vô cùng thân quen với chúng ta, cũng là vật dụng mà người nông dân sử dụng hàng ngày trong cuộc sống, trong lao động. Và ông chọn chiếc khăn rằn để nhắc nhở rằng người nông dân luôn luôn là chủ thể trong mục tiêu phát triển kinh tế nói chung, trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng… Nhưng với riêng tôi, hình ảnh đó thân thương và gần gũi vô cùng. Nó như nhân lên tình yêu quê hương, đất nước mình.

Được biết, ông vừa làm cố vấn cho nhóm sinh viên Trường Đại học FPT Cần Thơ tổ chức chương trình triển lãm và trình diễn thời trang “Rằn”?

- Làm việc với các bạn trẻ rất thoải mái, họ trẻ trung, năng động và đáng yêu. Mặc dù cuộc sống hôm nay đổi thay rất nhiều, trang phục thời trang cũng vậy, có rất nhiều thứ để người trẻ lựa chọn. Nhưng thật mừng là họ vẫn dành nhiều tình yêu cho văn hóa truyền thống, cho chiếc khăn rằn. Qua ngôn ngữ thời trang, chiếc khăn rằn không chỉ là vật dụng dùng để choàng hay quấn cổ, đội đầu, mà trở nên đa dụng và hiện đại. Đó cũng chính là chất xúc tác để tôi cho ra mắt cuốn sách thứ 31 “Văn hóa khăn rằn”.

Thú thật, nhìn bọn trẻ chau chuốt từng nếp khăn, từng màu chỉ, hào hứng phối khăn rằn với các trang phục để trình diễn… tôi đã rất xúc động. Tôi luôn nói với mọi người là bất cứ trường đại học nào muốn mời tôi về nói chuyện về văn hóa khăn rằn, tôi đều sẵn sàng. Mục đích của tôi chỉ là làm thế nào lan tỏa và nhân lên những nét văn hóa đẹp đó trong cuộc sống hàng ngày.

Tôi rất mừng vì khăn rằn đang chuyển từ giá trị truyền thống kết hợp với những giá trị hiện đại. Và tôi tin sức sống của khăn rằn sẽ còn mãi, như là một biểu tượng văn hóa rất đẹp của vùng sông nước Cửu Long.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trước đây, khăn rằn được dệt thủ công bằng tay, nên tạo họa tiết caro, là họa tiết đơn giản, dễ dệt nhất. Về sau, bên cạnh dệt thủ công đã xuất hiện những khung dệt máy. Ngoài 2 màu sắc trắng - đen truyền thống thì khăn rằn ngày nay còn được dệt phối bằng những màu lạ mắt, tinh tế như: hồng - trắng, đen - đỏ, xanh - hồng… Khi đi du lịch miền Tây, người ta vẫn không quên mua về một chiếc khăn rằn làm quà.

Ngọc Hoa (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-tim-ve-dep-cua-chiec-khan-ran-10292782.html