Đi tù sau khi kiếm gần 11 tỷ đồng nhờ dùng 4.600 điện thoại 'cày' view ảo

Trong 4 tháng, Vương kiếm gần 11 tỷ đồng nhờ dùng 4.600 chiếc điện thoại tạo tương tác ảo cho các buổi phát trực tuyến của khách hàng, nhưng anh ta đã phải trả giá.

Người đàn ông họ Vương vừa bị cảnh sát tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc bỏ tù vì tội lừa đảo trực tuyến. Anh ta sử dụng 4.600 chiếc điện thoại để tăng số lượng người xem trong các buổi phát trực tiếp, kiếm được 3 triệu nhân dân tệ (10,7 tỷ đồng) trong vòng chưa đầy 4 tháng.

Vương bị kết án một năm ba tháng tù và bị phạt 50.000 nhân dân tệ (179 triệu đồng) vì tội "hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”. Đây là vụ án đầu tiên đánh dấu việc tỉnh Chiết Giang – trung tâm của ngành công nghiệp phát trực tiếp Trung Quốc - thẳng tay trừng phạt hành vi lừa đảo trong ngành này.

Vương sử dụng 4.600 chiếc điện thoại làm giả lượt view . (Ảnh: SCMP)

Vương sử dụng 4.600 chiếc điện thoại làm giả lượt view . (Ảnh: SCMP)

Cuối năm 2022, Vương bắt đầu công việc bất hợp pháp khi một người bạn nói với anh ta về một nghề sinh lợi cao được gọi là “brushing” (đánh răng). Thuật ngữ “brushing” ám chỉ việc kinh doanh tương tác ảo, giúp người livestream (phát trực tiếp nội dung trên mạng) tăng lượt người xem, lượt thích, lượt bình luận, lượt chia sẻ… bằng các tài khoản mạng xã hội

Khách hàng chính của Wang là những người livestream trên mạng xã hội TikTok. Nhờ có Vương, họ trở nên nổi tiếng và bán được nhiều hàng hơn.

Việc thành lập một cơ sở “brushing” khá đơn giản. Vương mua 4.600 chiếc điện thoại di động được điều khiển bằng công nghệ điện toán đám mây. Anh ta cũng mua các dịch vụ VPN và thiết bị mạng, chẳng hạn như bộ định tuyến và chuyển mạch, từ một công ty công nghệ có trụ sở tại Trường Sa, tỉnh Hồ Nam.

Chỉ với vài cú nhập chuột trên máy tính, Vương có thể khởi động cùng lúc hàng nghìn chiếc điện thoại và tràn vào một sự kiện livestream. Số lượng người xem và tương tác nhờ vậy tăng đột biến. Phí dịch vụ phụ thuộc vào lượng thời gian mỗi điện thoại kết nối với một sự kiện phát trực tiếp và số lượng điện thoại di động được kích hoạt.

Tính đến tháng 3/2023, anh ta kiếm được khoảng 3 triệu nhân dân tệ (10,7 tỷ đồng) bằng cách bán "tương tác" cho những người phát trực tiếp đang tìm cách tăng hiệu suất kinh doanh trực tuyến của họ.

Vương khai, các tài khoản người xem giả được mua với số lượng lớn từ người khác. Đôi khi tài khoản bị kiểm duyệt do không xác thực được danh tính thật, nhưng quá trình đăng ký lại rất đơn giản.

Hàng nghìn chiếc điện thoại được Vương dùng để kinh doanh bất hợp pháp. (Ảnh: Cảnh sát Ninh Ba)

Hàng nghìn chiếc điện thoại được Vương dùng để kinh doanh bất hợp pháp. (Ảnh: Cảnh sát Ninh Ba)

Công tố viên phụ trách vụ án chia sẻ với truyền thông: “Có một số lỗ hổng nhất định trong việc quản lý tài khoản của nền tảng phát trực tiếp”. Các nhà điều tra chưa xác định được nguồn gốc số điện thoại mà Vương mua; rất có thể đây là số hàng bất hợp pháp được buôn bán trôi nổi trên thị trường.

Ngoài Vương, 17 nghi phạm khác đang bị điều tra vì “vi phạm các quy định quốc gia, cố ý phát tán thông tin giả mạo trực tuyến thông qua các dịch vụ xuất bản để thu lợi nhuận và gây rối trật tự thị trường”, theo cơ quan công tố địa phương.

Việc gian lận số người truy cập từ lâu đã là vấn đề nhức nhối trên các nền tảng phát trực tiếp và trang web thương mại điện tử ở Trung Quốc, khiến công chúng luôn mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn.

Ngày càng nhiều vụ lừa đảo trực tuyến được thực hiện tinh vi, nhất là giữa những người kết bạn qua mạng. Năm 2016, cô Trần và cô Mã (Thượng Hải, Trung Quốc) gặp nhau và trở thành bạn bè thân thiết. Thấy Mã còn độc thân, Trần bịa ra câu chuyện về người bạn nam thời thơ ấu tên là Thẩm Bình đang sống ở nước ngoài, nói rằng anh ta là con trai người đứng đầu một công ty thang máy nổi tiếng, cực kỳ giàu có.

Sau đó, Trần tạo một tài khoản WeChat với tên Thẩm Bình để kết bạn với cô Mã. Sau một thời gian trò chuyện, Mã bị quyến rũ và sớm thiết lập mối quan hệ tình cảm qua mạng với nhân vật hư cấu này.

Từ cuối năm 2018, khi mối quan hệ tình cảm ngày càng mặn nồng, Thẩm Bình thường xuyên xin tiền Mã với lý do tài khoản ngân hàng bị lỗi, có việc khẩn cấp trong gia đình, mua quà cho khách hàng hay nhu cầu góp vốn vào công ty thang máy.

Trong suốt thời gian yêu nhau qua mạng, cô Mã đã cho Thẩm Bình vay tổng cộng 3,5 triệu nhân dân tệ (11,7 tỷ đồng) và chỉ được nhận lại một khoản tiền nhỏ dưới dạng lì xì ngày tết hay các ngày lễ trong năm.

Năm 2019, em họ của cô Mã (tạm gọi là Tiểu Mã) tiếp cận Thẩm Bình để tìm việc làm. Để duy trì ảo tưởng về sự giàu có của Thẩm Bình, Trần - trong vai chàng thiếu gia hư cấu này - thuê luôn Tiểu Mã làm việc khiến vụ lừa đảo trở nên phức tạp hơn. Thẩm Bình "đích thân" trả lương cho Tiểu Mã, thậm chí còn thuê một công ty chi trả bảo hiểm xã hội cho Tiểu Mã.

Tuy nhiên, để “đòi lại” những khoản chi này, Thẩm Bình nhiều lần sai Tiểu Mã mua giúp công ty thẻ quà tặng tiền mặt trả trước OK Card. Mặc dù chưa bao giờ gặp trực tiếp ông chủ của mình, cũng chưa từng đến văn phòng công ty trong suốt 3 năm “làm việc”, Tiểu Mã vẫn ứng tiền của mình mua những tấm thẻ này cho Thẩm Bình, tốn gần 1 triệu nhân dân tệ (3,4 tỷ đồng).

Các cuộc điều tra cho thấy, Trần - kẻ chủ mưu đằng sau vụ lừa đảo - đã trả khoảng 500 nghìn nhân dân tệ (1,7 tỷ đồng) để trả lương và bảo hiểm cho Tiểu Mã. Tuy nhiên, kế hoạch phức tạp của Trần giúp cô ta thu được gần 1,8 triệu nhân dân tệ (6 tỷ đồng) từ cô Mã và 1,12 triệu nhân dân tệ (3,8 tỷ đồng) từ Tiểu Mã. Viện Kiểm sát Nhân dân Tĩnh An, Thượng Hải đã cáo buộc Trần tội lừa đảo.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/di-tu-sau-khi-kiem-gan-11-ty-dong-nho-dung-4-600-dien-thoai-cay-view-ao-ar869486.html