Địa lý là định mệnh

Nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, dễ xảy ra địa chấn, người Thổ Nhĩ Kỳ có một câu nói nổi tiếng là 'cografya kaderdir', ý chỉ 'địa lý là định mệnh'. Nhìn từ thực tế này, công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi còn nhỏ đã được giáo dục cách phản ứng nếu có động đất.

Tuy nhiên, thiên tai thì thường bất ngờ và hai trận động đất liên tiếp 7,8 và 7,6 độ richter xảy ra trong vòng 12 giờ tại nước này ngày 6/2 đã làm sập hàng trăm công trình, khiến ít nhất 1.800 người thiệt mạng cùng hàng nghìn người bị thương ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria.

Tính đến 20h ngày 6/2 (giờ Việt Nam), trận động đất thứ nhất có độ lớn 7,8 độ richter - mạnh nhất từng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn một thế kỷ xảy ra lúc 4h17 (giờ địa phương), tức 8h17 (giờ Việt Nam) và trận động đất thứ hai có độ lớn 7,6 độ richter xảy ra sau đó 12 giờ đã khiến ít nhất 1.800 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

Theo CNN, hàng trăm công trình đã sụp đổ, một số vết nứt xuất hiện trên đường băng các sân bay ở khu vực động đất, cảng Iskenderun ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ bị sập một phần, xảy ra nổ lớn ở một đường ống dẫn khí đốt thuộc tỉnh Hatay và số người chết vẫn đang tăng lên. Cụ thể, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ nêu rõ, trận động đất đầu tiên có tâm nằm cách Gaziantep - một thành phố lớn và là tỉnh lỵ phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 33km; cách biên giới Syria khoảng 90km - nơi tị nạn của hàng triệu người vì nội chiến.

Trận động đất sáng 6/2 được coi là mạnh nhất từng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn một thế kỷ. Nguồn: Getty Images.

Trận động đất sáng 6/2 được coi là mạnh nhất từng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn một thế kỷ. Nguồn: Getty Images.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) đã ghi nhận 42 dư chấn trong vòng 2 giờ sau trận động đất, trong đó dư chấn mạnh nhất có cường độ 6,6 độ richter. Trận động đất có thể được cảm nhận từ Hy Lạp, Lebanon, Syria, Cyprus, trong đó, Syria hứng chịu hậu quả đặc biệt nặng nề. Truyền thông nhà nước Syria dẫn lời Ahmed Damiriyye, trợ lý Bộ trưởng Y tế, ghi nhận ít nhất 515 người chết, 639 người bị thương tại Aleppo, Hama và Latakia. Trong khi đó, trận động đất thứ hai xảy ra cách Kahramanmara 67km về phía Bắc Đông Bắc, ở độ sâu 2km

Reuters dẫn lời một nhân chứng sống ở Gaziantep chia sẻ: “Tôi chưa từng thấy điều gì khủng khiếp như vậy trong 40 năm cuộc đời. Chúng tôi cảm nhận rung lắc rất mạnh ba lần, như một đứa trẻ trong nôi”. Người này cũng cho biết thêm, động đất xảy ra khi trời còn quá tối nên không xác định được thiệt hại. Ai nấy đều chạy khỏi nhà, cố gắng ngồi yên trong xe hoặc di chuyển đến những khu vực trống trải, tránh xa các tòa nhà. Trong khi đó, Sinan Sahan - một doanh nhân ở Gaziantep, cho biết từng chứng kiến trận động đất ở Istanbul năm 1999 khiến hơn 17.000 người thiệt mạng, nhưng thảm họa lần này “nghiêm trọng hơn nhiều”.

Hiện giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố báo động cấp độ 4, huy động toàn bộ lực lượng cứu hộ và điều máy bay đến khu vực xảy ra thảm kịch, đồng thời kêu gọi trợ giúp quốc tế. Trên Twitter, Tổng thống Tayyip Erdogan viết: “Tôi xin gửi những lời cầu chúc tốt lành nhất đến những người dân bị ảnh hưởng bởi động đất”. Ông Erdogan nhấn mạnh, dù việc xảy ra động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là không ít nhưng ông hy vọng người dân sát cánh cùng đất nước sớm vượt qua thảm họa này, với thiệt hại ít nhất có thể. Tuy nhiên, thời tiết xấu như gió lớn và tuyết dày sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác cứu hộ cứu nạn.

Theo tờ Al Jazeera, công cụ ước tính tổn thất do động đất CATDAT của tổ chức đánh giá rủi ro Risklayer dự báo, số người thiệt mạng do trận động đất này có thể nằm trong khoảng 3.200-25.900 người, trong khi thiệt hại kinh tế có thể lên tới 15 tỷ USD.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi điện chia buồn tới Thổ Nhĩ Kỳ, hy vọng nước này sớm vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể, Italia, Thụy Điển, Ấn Độ, Pakistan, Ukraine khẳng định sát cánh cùng Ankara và sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết hậu quả của thảm họa. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington "quan ngại sâu sắc" trước các báo cáo về thiệt hại tại Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Joe Biden trước đó ra lệnh cho cơ quan phát triển quốc tế của nước này đánh giá tình hình để thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Hy Lạp là nước đầu tiên gửi một đội cứu hộ tinh nhuệ nhất tới Thổ Nhĩ Kỳ giúp giải cứu người dân mắc kẹt dưới những đống đổ nát dù nước này đang hứng chịu các trận bão tuyết lớn.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU) đã cử các đội tìm kiếm từ Hà Lan, Romania sang Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Israel thì nêu rõ rằng, một chương trình viện trợ khẩn cấp đang được chuẩn bị. Theo Daily Sabah, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng kiến tạo Anatolia, nằm giữa hai mảng lớn là Á - Âu và châu Phi cùng một mảng phụ Arab. Khi các mảng châu Phi và Arab dịch chuyển, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị siết chặt theo đúng nghĩa đen bởi mảng lớn Á - Âu ngăn mọi chuyển động về phía Bắc.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên một số đường đứt gãy và khi các đường này di chuyển sẽ tạo ra các cơn địa chấn. Vào năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra 2 trận động đất mạnh từ 7 độ richter và 7,4 độ richter khiến 17.854 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương ở thành phố Golcük.

Liên quan đến thảm họa này, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ ngay với các chính quyền địa phương để tìm hiểu thông tin nhằm làm tốt công tác bảo hộ công dân. Cụ thể, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết, ngay sau khi động đất xảy ra, Đại sứ quán đã liên hệ với Vụ phụ trách người nhập cư và Vụ Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cảnh sát và chính quyền địa phương tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng động đất có người thương vong, gồm Kahramanmaras, Adiyaman, Gaziantep, Hatay, Diarbakir, Kilis, Osmaniye, Sanliurfa, Adana và Malatya, để tìm hiểu thông tin liệu có nạn nhân là người Việt Nam hay không.

Kim Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dia-ly-la-dinh-menh-i682710/