Dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường

Dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường khi có nhiều dự báo những tháng tới mùa đông tới sẽ là thời điểm thuận lợi cho dịch bùng phát.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 6/4/2021. Ảnh: AP

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 213.151.198 ca, trong đó có 4.451.297 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 449.005 trường hợp mắc COVID-19 và 6.759 ca tử vong.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 190 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 18 triệu ca và 112.055 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 23/8, thế giới có 152 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia, vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Tại Hàn Quốc, hôm qua, số ca COVID-19 mới ở mức dưới 1.500 ca/ngày. Theo số liệu từ Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 23/8, số ca nhiễm mới là 1.418 ca, trong đó có 1.370 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lần 237.782 ca. Sau 6 tuần áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt ở khu vực Seoul, làn sóng lây nhiễm thứ tư vẫn không giảm bớt vì biến thể siêu lây nhiễm Delta đang làm phức tạp thêm các biện pháp phòng chống dịch.

Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này ngày 23/8 ghi nhận 25.072 ca mắc COVID-19 mới, thấp nhất trong 160 ngày. Số người tử vong tăng lên 434.756 người với 389 ca mới tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 của Ấn Độ đã tăng lên 32.449.306 người, trong khi tỷ lệ phục hồi trên toàn quốc đã tăng lên 97,63%, cao nhất kể từ tháng 3/2020. Số ca dương tính hiện nay của Ấn Độ đã giảm xuống 333.924 ca, thấp nhất trong 155 ngày, chiếm 1,03% tổng số ca nhiễm, thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Giới nghiên cứu y khoa Ấn Độ cho biết một làn sóng COVID-19 thứ ba ở nước này có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 tới nếu một biến thể mới, độc hại hơn biến thể Delta xuất hiện và lây lan vào cuối tháng 9. Đồng thời, trong làn sóng thứ ba COVID-19 này, số lượng ca nhiễm mới có thể không tăng cao như làn sóng COVID-19 thứ hai và nhiều khả năng diễn biến tương tự làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Tuy nhiên, nhà khoa học của IIT-Kanpur, thành viên nhóm nghiên cứu Manindra Agrawal dự đoán, cũng có thể Ấn Độ sẽ không phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba nếu không có biến thể mới, dễ lây lan hơn biến thể Delta xuất hiện. Trong trường hợp đó, Ấn Độ có thể thấy các trường hợp nhiễm COVID-19 hàng ngày lên đến 150.000 ca nhiễm mới và cao điểm là vào tháng 11. Cường độ của làn sóng dịch COVID-19 thứ ba có thể không giống làn sóng thứ hai, nhưng tương tự như làn sóng đầu tiên.

Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tại Tokyo hợp tác trong việc tiếp nhận bệnh nhân, đảm bảo số giường điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Các cơ sở từ chối yêu cầu hợp tác sẽ bị nêu tên trên cổng thông tin công khai. Ngoài ra, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, từ ngày 23/8, chính quyền thành phố Tokyo đưa vào hoạt động một trạm hỗ trợ oxy cho bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ.

Tại châu Đại Dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, nhấn mạnh đợt bùng phát dịch hiện nay chưa lên tới đỉnh điểm. Theo đó, lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 sẽ được gia hạn thêm 3 ngày, đến nửa đêm 27/8, trong khi thành phố Auckland - tâm điểm của đợt bùng phát dịch hiện nay - sẽ thực hiện các hạn chế đến hết ngày 31/8.

Tại Australia, bang New South Wales (NSW) ngày 23/8 thông báo ghi nhận 818 ca nhiễm mới trong cộng đồng trong vòng 24 giờ tính đến 20h tối 22/8 theo giờ địa phương. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp bang này ghi nhận số ca nhiễm mới cao trên 800 ca/ngày. Bang này cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong trong đợt bùng phát dịch từ ngày 16/6 đến nay lên 74 trường hợp.

Chính quyền bang hối thúc người dân tham gia tiêm chủng bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phỏng tỏa đang được áp đặt để khống chế dịch bệnh. Trong khi đó, bang Nam Australia sẽ là địa phương đầu tiên của Australia triển khai chương trình thử nghiệm cách ly tại nhà cho những người đến từ những khu vực đang có dịch bệnh COVID-19 trong nước và cả khách quốc tế, bắt đầu từ tuần này.

Ở châu Âu, Nga thông báo nước này ghi nhận 19.545 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu lần đầu tiên số ca mắc trong ngày dưới mức 20.000 ca trong vòng 2 tháng qua tại quốc gia này, tuy nhiên đây vẫn là con số khá cao. Nước này cũng ghi nhận 776 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên là 176.820 ca. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 6.766.541 ca mắc COVID-19.

Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 23/8 nhận định những tháng tới sẽ là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Cơ quan này cũng cho rằng các biện pháp hạn chế và khuyến nghị hiện nay, chủ yếu là để hạn chế tiếp xúc xã hội, cách ly người ốm hoặc làm việc từ xa khi có thể, nên được duy trì cho tới khi có thêm nhiều người được tiêm phòng. Tính đến nay, Thụy Điển ghi nhận tổng cộng hơn 1,11 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 14.600 ca tử vong vì COVID-19.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dich-benh-covid-19-van-tiem-an-nguy-co-kho-luong-post151934.html