Dịch bệnh kéo dài, càng thêm nhớ bạn
Vì dịch Covid-19 nên lâu rồi, người dân 2 bên biên giới chưa được gặp nhau. Dù vậy, tình cảm người dân 2 bên dành cho nhau vẫn không hề phai nhạt mà luôn thắm thiết, nghĩa tình.
Không gặp được nhau thì gọi điện thoại
Trước khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, tuyến biên giới Đức Huệ (tỉnh Long An) tấp nập người dân 2 bên qua lại giao lưu, trao đổi hàng hóa. Trong quán nhỏ ven đường tại xã Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, vẫn thường bắt gặp những người bạn Campuchia ngồi uống trà, cà phê.
“Có thời gian rảnh rỗi, chúng tôi ngồi quây quần cùng mấy người bạn Campuchia bên bàn tròn để thưởng thức nồi lẩu nóng hổi, chúc nhau những ly rượu đế, trò chuyện rôm rả” - ông Nguyễn Văn Nam, ở gần chợ Tho Mo, xã Mỹ Quý Tây, tâm sự.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát khắp thế giới, tháng 4/2020 đến nay, các hoạt động qua lại biên giới đối với người dân ở khu vực biên giới giáp Campuchia tạm thời phải ngừng lại. Đứng trên con đường thuộc khu vực Voi Đình, ông Nguyễn Văn Ngừa (60 tuổi) - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, cứ nhìn về phía cột mốc 183.
Ông lo lắng nói: “Bên tỉnh mình, dịch Covid-19 đang phức tạp nhưng nghe đâu bên Campuchia còn bùng phát dữ dội, căng thẳng hơn rất nhiều. Dịch này nguy hiểm quá! Cũng vì dịch Covid-19 mà lâu rồi tôi chưa được gặp mấy ông bạn bên Campuchia”.
Ông Ngừa có người bạn thân tên Socsen ở xã Sam Rông, huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Trước khi chưa có dịch bệnh, hầu như tuần nào 2 ông cũng gặp nhau chuyện trò. Nhà ai có chuyện vui thì đến chúc mừng, có hữu sự thì đến chia buồn.
Nhớ bạn, ông Ngừa lấy điện thoại gọi hỏi thăm ông Socsen. Trong câu chuyện dài khoảng 5 phút với người bạn thân thiết, tôi nghe được ông nói câu “Samaki” trước khi tắt máy. Ông chia sẻ, là người dân biên giới nên biết nói một ít ngôn ngữ của người Campuchia. Câu nói “Samaki” dịch ra tiếng Việt nghĩa là “đoàn kết”.
Ông kể lại, qua cuộc điện thoại hỏi thăm, người bạn Socsen thông tin, gia đình vẫn ổn. Nghe vậy, ông cũng mừng lây. Ngược lại, ông Socsen cũng hỏi thăm ông về tình hình dịch bệnh bên mình và dặn phải cẩn thận, đề phòng, bảo vệ sức khỏe.
Về công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây từ năm 1993 đến nay, Thiếu tá Nguyễn Văn Hô chứng kiến nhiều câu chuyện đẹp, tử tế của người dân 2 bên biên giới. Với nhiệm vụ vận động quần chúng, anh Hô là điển hình góp phần vun vén cho mối quan hệ đoàn kết của người dân 2 bên.
“Nhiều người dân ở 2 bên biên giới thân thiết và tin tưởng nhau đến độ sẵn sàng bán hàng thiếu cho nhau. Người dân luôn giữ chữ tín, cứ đến kỳ hạn sau thu hoạch lúa là tự tìm đến thanh toán đầy đủ cho nhau” - Thiếu tá Nguyễn Văn Hô kể.
Chính tình cảm gắn kết, tin cậy lẫn nhau, nhiều năm qua, nhân dân 2 bên biên giới tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, phòng, chống tội phạm; đồng thời, nhắc nhở nhau nêu cao tinh thần cảnh giác trước những xuyên tạc của các đối tượng, thế lực xấu, không để bị lôi kéo làm ảnh hưởng mối quan hệ đoàn kết giữa 2 nước.
Xa mặt nhưng không cách lòng
Khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, người dân 2 bên thường gặp nhau chia sẻ kỹ thuật sản xuất. Các bạn bên Campuchia hay hỏi về kỹ thuật trồng lúa sao cho hiệu quả cao, sử dụng phân bón, thuốc phòng trừ sâu, bệnh thế nào cho hợp lý, hiệu quả.
Có nhiều lần, bên bạn còn tổ chức cho hàng chục người sang bên mình tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất. Người dân bên mình rất nhiệt tình và thật thà, biết kỹ thuật gì đều chia sẻ hết với bạn. Còn các bạn thì chăm chú lắng nghe, ghi chép rất đầy đủ. Không chỉ vậy, 2 năm 1 lần, ở biên giới Đức Huệ lại diễn ra hội thi “Nét đẹp biên giới”.
Vì dịch Covid-19, người dân 2 bên biên giới phải tạm thời không gặp nhau nhưng không vì vậy mà tình cảm nhạt đi. Ngược lại, khi không gặp được trực tiếp, những người bạn xuyên quốc gia vẫn thường gọi điện thoại hỏi thăm, trao đổi với nhau. Xa mặt nhưng người dân 2 bên biên giới không bao giờ cách lòng”.
Ngày trước thì vậy, còn trong điều kiện dịch Covid-19 xảy ra như thời gian qua, người dân 2 bên tạm thời giữ khoảng cách, không gặp nhau. Nhưng không vì vậy mà tình cảm nhạt đi, chuyện trao đổi với nhau bị ngăn cách. Ngược lại, khi không gặp trực tiếp, những người bạn xuyên quốc gia vẫn thường gọi điện thoại hỏi thăm, trao đổi với nhau. Ngoài gọi điện thoại, khi ra ruộng thấy nhau qua đường biên giới, người dân vẫn đứng từ xa hỏi thăm. “Xa mặt nhưng người dân 2 bên biên giới không bao giờ cách lòng” là câu nói chúng tôi nghe nhiều trên tuyến biên giới.
Bà Lê Thị Thu - người dân ở xã Mỹ Quý Tây, kể, ở các xã biên giới của huyện Đức Huệ có một ít người Campuchia về làm dâu, chung sống hòa thuận với gia đình và hàng xóm. “Nhắc lại đám cưới xuyên quốc gia này, tôi lại nhớ những ấn tượng rất khó quên trong nét văn hóa riêng của mỗi bên. Điều thú vị nhất là được nghe những bài hát Việt và Campuchia do những “ca sĩ” nông dân đến từ 2 bên thể hiện” - bà Thu vui vẻ nói.
Như lời bà chia sẻ, ranh giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia đã có đường biên giới, cột mốc phân định nên trong quá trình sản xuất, người dân 2 bên chẳng ai phạm vào đất của nhau. Bởi người dân đều hiểu, đường biên giới, chủ quyền quốc gia là điều thiêng liêng, cao quý, không thể xâm phạm mà phải cùng nhau giữ gìn, bảo vệ.
Rời biên giới trong một buổi chiều lộng gió, nhìn bóng dáng cột mốc đứng sừng sững cứ xa dần, tôi lại nhớ đến lời Đại tá Đoàn Văn An - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: “Chúng ta cần có nhiều việc làm tốt, hữu ích để xây đắp thêm tình cảm đoàn kết giữa nhân dân và các cấp chính quyền, lực lượng 2 bên biên giới. Đó chính là đang góp phần xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa 2 nước”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dich-benh-keo-dai-cang-them-nho-ban-a119371.html