Dịch Covid-19: 100.000 người và lời cảnh báo cho nước Mỹ

Liệu mạng sống của 100.000 người đã đủ để khiến Mỹ thức tỉnh, quyết liệt hơn trong phòng chống đại dịch Covid-19, khôi phục ổn định quốc gia và vị thế quốc tế? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Con số chết chóc mà Tổng thống Donald Trump đưa ra đã trở thành sự thật không mong muốn. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 26/5 sẽ trở thành ký ức đau buồn trong lịch sử Mỹ, khi dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 100.000 người. Con số chết chóc mà Tổng thống Donald Trump từng cảnh báo giờ đã trở thành hiện thực, song chưa phải là cột mốc cuối cùng nếu xứ cờ hoa không thức tỉnh, quyết liệt hơn trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Tỉnh táo, quyết liệt hơn

Thứ nhất, là cường quốc hàng đầu thế giới song việc rơi vào thế bị động giai đoạn đầu dịch đã khiến Mỹ chưa thể phát huy tối đa tiềm lực phòng chống dịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) đã dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu bộ xét nghiệm tiêu chuẩn, thay vì mua và sử dụng những gì sẵn có.

Thứ hai, công tác truyền thông của Mỹ giai đoạn đầu chống dịch chưa hiệu quả, không truyền tải hết thông điệp về sự nguy hiểm của Covid-19 đến người dân. Đến thời điểm hiện tại, khi virus SARS-CoV-2 đã giết chết 100.000 người, với số ca nhiễm mới có xu hướng tăng ở 17/50 tiểu bang, nhiều thống đốc cả tiểu bang vẫn bối rối về việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.

Bất chấp tuyên bố của người phụ trách điều phối hoạt động phòng chống SARS-CoV-2, Tiến sỹ Deborah Birx, khẳng định khẩu trang có tác dụng rõ rệt trong ngăn chặn lây lan virus, nhiều người vẫn phản đối đeo khẩu trang nơi công cộng, cho rằng lệnh bắt buộc đeo khẩu trang gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền tự do quy định rõ trong Hiến pháp. Đối với một bộ phận, quyền tự do có thể quan trọng hơn mạng sống; song chỉ khi sống, con người mới cảm nhận sự tự do.

Tuy nhiên, sự sống lẫn quyền tự do của nhiều triệu người dân sẽ bị đe dọa nếu như Washington không quyết liệt hơn trong phòng chống dịch. Vốn chia rẽ trước đại dịch Covid-19, chính trường Mỹ giờ đây lại càng phân mảnh trước câu chuyện cứu người hay cứu nền kinh tế. Tổng thống Donald Trump đang thiên về phương án thứ hai khi ủng hộ nới lỏng giãn cách xã hội, thậm chí lạc quan về khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào cuối tháng 6, hy vọng cuộc chiến đấu quên mình của các y bác sỹ, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền liên bang và địa phương sẽ giúp ông đạt được cả vế thứ nhất. Song nếu người Mỹ đã từng nghe câu tục ngữ “còn nước còn tát”, hay giở trang sử xám màu về giai đoạn Đại Suy thoái 1929–1939, họ sẽ hiểu rằng mạng sống người dân là tối quan trọng với quốc gia và ổn định chính trị, phát triển kinh tế hay bảo đảm an ninh đều xoay quanh ưu tiên này.

Trở lại sau cuộc Đại suy thoái giai đoạn 1929-1939, nước Mỹ đã trở nên kiên cường và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. (Nguồn: History.org)

Từ cán cân quyền lực tới vị thế khu vực

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đại dịch Covid-19 đang tác động sâu sắc tới chính trường xứ cờ hoa, gây chia rẽ trong nội bộ lưỡng đảng, giữa chính quyền địa phương và liên bang, đào sâu thêm khác biệt giữa chính phủ và người dân, thậm chí thay đổi cán cân bầu cử Tổng thống Mỹ tới. Đã có lúc, cựu Phó Tổng thống Joe Biden vươn lên dẫn trước Tổng thống Donald Trump tới 11 điểm. Song trên thực tế, điều này phản ánh thái độ không hài lòng của cử tri trước phản ứng bối rối của ông Trump trước đại dịch Covid-19, thay vì thể hiện ủng hộ dành cho ông Biden. Vẫn biết “Đường dài mới biết ngựa hay”, nhưng vào lúc này, không ít chuyên gia đã vạch ra viễn cảnh chiến thắng của ông Biden, vốn sẽ mang đến nhiều thay đổi lớn trong cách điều hành kinh tế, khai thác năng lượng, bảo vệ môi trường và quan hệ với các đồng minh, “đối thủ” lớn.

Tuy nhiên, không phải chờ đến bầu cử mà ngay ở thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã tác động tới vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Việc Washington tập trung nguồn lực phòng, chống dịch đã tạo khoảng trống để Bắc Kinh tự do hơn triển khai chính sách, mở rộng tầm ảnh hưởng. Thực tế này thể hiện rõ qua việc Trung Quốc tiến hành chính sách ngoại giao khẩu trang; đẩy mạnh hoạt động phi pháp trên Biển Đông bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam; tăng cường tập trận, tuần tra quanh Eo biển Đài Loan và không ngại va chạm với Ấn Độ tại Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC).

Song trong cái rủi, có cái may: Đây là cơ hội để Washington nhìn nhận, trải nghiệm về một châu Á - Thái Bình Dương vắng mình, từ đó trở lại mạnh mẽ, triển khai, phân phối nguồn lực hiệu quả hơn tại khu vực hậu đại dịch.

Tuy nhiên, điều này chỉ thành hiện thực nếu xứ cờ hoa có thể sớm kiểm soát, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của. Nước Mỹ chỉ “vĩ đại trở lại” nếu được dẫn dắt bởi những người xứng tầm và đã đến lúc Tổng thống Donald Trump chứng tỏ rằng ông xứng đáng đứng trong hàng ngũ đó.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dich-covid-19-100000-nguoi-va-loi-canh-bao-cho-nuoc-my-116404.html