Dịch COVID-19: Thế giới đã có hơn 690.000 người tử vong

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 28/7/2020 - Nguồn: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 3/8 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 18.226.597 ca, trong đó có 692.420 trường hợp tử vong.

Các nước cũng ghi nhận tổng cộng 11.437.647 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 65.796 và 6.025.229 ca đang điều trị tích cực. Hơn 50% số ca bệnh ghi nhận tại Mỹ, khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe. Đáng chú ý, số ca tử vong ở Mỹ Latin và Caribe đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn một tháng qua.

Tại Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 - trong 24 giờ qua đã có thêm 49.031 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 4.813.640 trường hợp, trong đó có 158.365 ca tử vong. Bang Pennsylvania thông báo chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, đặc biệt là những người từ 19-24 tuổi.

Ngày 2/8, các chuyên gia Nhà Trắng cảnh báo Mỹ đang ở giai đoạn mới của đợt bùng phát dịch COVID-19 với tốc độ lây lan bất thường ở các vùng nông thôn cũng như thành phố. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình CNN, Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng, nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở giai đoạn mới. Những gì mà chúng ta thấy ngày hôm nay khác với tháng 3 và tháng 4. Đó là sự lan rộng bất thường của đại dịch ở các vùng nông thôn cũng như thành thị”.

Theo Tiến sĩ Deborah Birx, những người sống ở vùng nông thôn không miễn dịch hay được bảo vệ khỏi sự tấn công của virus SARS-COV-2. Chuyên gia Mỹ khuyến cáo các thành viên của các gia đình nhiều thế hệ đang sống ở khu vực dịch bùng phát nên đeo khẩu trang ở nhà để bảo vệ những người già hoặc những người mắc bệnh nền.

Cùng với Tiến sĩ Birx, đô đốc Brett Giroir,Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ, cũng bày tỏ quan ngại khi cho rằng đây là thời điểm rất nghiêm trọng, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng việc đeo khẩu trang cũng như hạn chế không gian đông đúc ở trong nhà.

Tại Brazil, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 25.800 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 2.733.677 trường hợp, trong khi số ca tử vong hiện đã là 94.104 người.

Đệ nhất phu nhân Michelle Bolsonaro và 2 bộ trưởng trong chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy, tới nay đã có 6 bộ trưởng trong Chính phủ Brazil nhiễm virus này, cùng với Tổng thống và phu nhân. Tổng thống Ông Bolsonaro hiện đã bình phục.

Chính phủ Bolivia ngày 2/8 đã ra quyết định kết thúc sớm năm học 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi công tác triển khai việc học trực tuyến không đảm bảo hiệu quả. Hiện Bolivia đã ghi nhận 78.793 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 3.064 trường hợp tử vong.

Tại châu Âu, người đứng đầu chính quyền Kosovo Avdullah Hoti ngày 2/8 xác nhận ông đã mắc COVID-19 và sẽ tự cách ly tại nhà trong vòng 2 tuần. Trên trang cá nhân Facebook, ông Hoti viết: “Tôi không có các triệu chứng, ngoại trừ ho nhẹ”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ireland Stephen Donnelly cho biết đang cân nhắc các biện pháp bổ sung nhằm hạn chế những hoạt động đi lại không cần thiết do số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Ireland cũng như những nước khác ở châu Âu trong những ngày gần đây.

Ireland đã khuyến cáo không thực hiện các chuyến ra nước ngoài không cần thiết và yêu cầu du khách đến từ các nước (trừ 15 nước trong nằm trong danh sách xanh của nước này) phải tự cách ly trong 14 ngày.

Tuy nhiên, Ireland không yêu cầu các du khách này phải tiến hành xét nghiệm và cũng không cấm các chuyến bay đến từ bất kỳ nước nào. Hiện Ireland đã ghi nhận 26.109 ca mắc COVID-19, trong đó 1.763 ca tử vong.

Tại châu Á, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 2/8 ghi nhận thêm 292 ca mắc, giảm so với mức tăng hơn 400 ca mỗi ngày trong 2 ngày qua. Thị trưởng Tokyo, bà Koike Yuriko trước đó cho biết thành phố này có thể phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục xấu đi.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah thông báo ông đã nhập viện sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Shah, trợ lý thân cận của Thủ tướng Narendra Modi và đứng đầu một bộ chủ chốt luôn đi đầu trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 52.783 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 1.804.702 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Ấn Độ xác nhận hơn 50.000 ca mắc COVID-19 trong ngày.

Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở quốc gia Nam Á này đang tiếp tục cải thiện, từ mức 3,33% hồi giữa tháng 6 lên 2,15%, mức thấp nhất kể từ khi lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên được áp đặt ngày 25/3. Tổng số ca tử vong ở Ấn Độ hiện là 37.690 người.

Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn ở khu vực bên trong và xung quanh thủ đô Manila trong vòng 2 tuần, từ rạng sáng 4/8, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải nỗ lực ngăn chặn tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi tổng số ca bệnh đã tăng lên mức hơn 100.000 người.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông qua quyết định đặt khu vực Metro Manila và các tỉnh lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan dưới quy định "Cách ly cộng động tăng cường sửa đổi" tới ngày 18/8.

Úc ngày 2/8 đã áp đặt lệnh giới nghiêm qua đêm tại Melbourne, thành phố lớn thứ hai của nước này, và cấm người dân đi xa nhà quá 5 km nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh với hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày.

Nước này ngày 2/8 ghi nhận thêm 671 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 18.000 ca với 208 ca tử vong. Bang Victoria chiếm phần lớn số ca nhiễm mới ở Úc.

Tại Trung Đông, Iran ngày 2/8 thông báo ghi nhận thêm 2.685 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ ngày 8/7, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 309.437 ca. Số ca tử vong hiện là 17.190 ca.

Tình hình dịch ở Iraq cũng rất phức tạp, với 2.095 ca nhiễm mới ngày 1/8, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 126.074 ca, trong đó có 4.805 ca tử vong. Tuy nhiên, ở chiều hướng tích cực, trong 24 giờ qua đã có thêm 1.841 bệnh nhân phục hồi, nâng tổng số người bình phục và được xuất viện lên 89.275 người.

Theo Reuters, Cơ quan hàng không Iraq ngày 2/8 cho biết các chuyến bay giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình chỉ do sự gia tăng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 21 giờ ngày 2/8 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ là 231.869 người, số ca tử vong là 5.710 người.

Tại châu Phi, chính quyền Lagos, thành phố lớn nhất Nigeria, thông báo sẽ cho phép các nhà thờ và thánh đường mở cửa trở lại kể từ tuần tới. Tuy nhiên, số lượng người tới các địa điểm này không được vượt quá 50% sức chứa tối đa thông thường.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) ngày 2/8 cho biết châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 19.920 ca tử vong liên quan dịch bệnh COVID-19 và trên 944.450 ca mắc bệnh này.

Báo cáo mới nhất của CDC châu Phi nêu rõ số ca nhiễm mới ở châu lục này tăng 16.789 ca và số ca tử vong cũng tăng 270 ca trong ngày 2/8. Bên cạnh đó, 602.578 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Tính theo khu vực, nam châu Phi và khối Magheb là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện 34/55 quốc gia vẫn đang áp dụng đóng cửa biên giới hoàn toàn để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất châu Phi với 503.290 ca nhiễm và 8.153 ca tử vong, tiếp theo là Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Maroc… Trong đó, Algeria và Maroc có số ca nhiễm mới đang tăng mạnh, thậm chí tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Tình hình tại Ai Cập có phần giảm bớt, với 167 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 2/8, mức nhiễm mới trong một ngày thấp nhất kể từ ngày 22/4. Tổng số ca nhiễm ở Ai Cập hiện là 94.483 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm 31 ca tử vong lên 4.865 ca. Ai Cập đã nối lại các chuyến bay quốc tế từ đầu tháng 7 sau khi dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm áp đặt từ tháng 3, và cho phép mở lại nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim và các khách sạn cũng như các điểm khảo cổ và bảo tàng...

Trong khi đó, Bộ Y tế Tunisia ngày 2/8 cho biết số ca nhiễm tại nước này đã tăng gấp 10 lần sau một tháng mở cửa biên giới và nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau nhiều tuần không có ca tử vong. Tunisia, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, đã sớm thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt khi đại dịch bùng phát và đã khống chế dịch khá thành công.

Tại Kenya, một trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là bệnh nhân ít tuổi nhất nhiễm virus này ở Kenya, trong khi bệnh nhân lớn tuổi nhất là 83 tuổi. Đến nay, Kenya ghi nhận tổng cộng 22.053 ca nhiễm và 369 ca tử vong.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/242988/dich-covid-19--the-gioi-da-co-hon-690-000-nguoi-tu-vong.html