Dịch vụ công tích hợp góp phần phòng chống hiệu quả COVID-19

Chiều nay 13.3.2020, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước công bố dịch vụ công tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia, sơ kết 3 tháng vận hành cổng dịch vụ công quốc gia và ra mắt hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

Sau 3 tháng vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), từ ngày 9.12.2019 đến chiều ngày 9.3.2020 đã có có trên 77.200 tài khoản đăng nhập; hơn 20,9 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ; trên 2,6 triệu bộ hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13.100 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG. Đây là kết quả tích cực khi Cổng DVCQG được người dân, doanh nghiệp ủng hộ.

Trong thời điểm hiện nay khi cả nước đang quyết liệt chống COVID-19, việc đưa thêm các dịch vụ công tích hợp lên Cổng DVCQG càng có ý nghĩa quan trọng khi những dịch vụ công này chú trọng đến thanh toán trực tuyến. Những dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG trong thời gian tới chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, gồm: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; dịch vụ hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; dịch vụ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; dịch vụ đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp… Trong đó, dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ được triển khai trong ngày 13.3.2020 và được thí điểm tại 5 địa phương gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận.

Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ tiến hành ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo (TTBC) Chính phủ. Hệ thống TTBC Chính phủ là hệ thống thu thập, tích hợp dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống nhằm bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó hệ thống TTBC Chính phủ giúp nâng cao năng lực tham mưu tổng hợp của Văn phòng Chính phủ trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về lợi ích của "số hóa" báo cáo giấy, ước tính chi phí tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước sẽ khoảng 460 tỉ đồng/năm.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của các Bộ ngành trong triển khai, cho ra mắt cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, khẳng định: Việc triển khai dịch vụ công tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cả nước. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid - 19 đang diễn ra.

Để Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động một cách hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quán triệt, tổ chức thực hiện nhằm tạo thuận lợi, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành kết nối, chia sẻ, tích hợp giữa Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ; vận hành tốt hơn nữa để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp thông qua hệ thống này.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành tập trung rà soát cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới thanh toán điện tử; tiếp tục chuẩn hóa thông tin dữ liệu đảm bảo công khai, minh bạch; bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn của hệ thống, không để lộ lọt thông tin. Thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, vì vậy cần phải triển khai tốt Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo sự an toàn cho người dân, doanh nghiệp.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=146770