Điểm báo: Tỉnh táo khi dùng mạng xã hội

Tỉnh táo khi dùng mạng xã hội; Dư nợ cấp cho tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng nhanh; Thi đánh giá năng lực: Nỗi lo lộ đề thi; Cảnh báo mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính cho vay Online lãi suất thấp để lừa đảo... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo sáng 1/5.

TỈNH TÁO KHI DÙNG MẠNG XÃ HỘI

Thời gian gần đây, tình trạng các vụ việc bôi nhọ, xúc phạm đời tư người khác trên mạng xã hội liên tục xảy ra. Nhiều vụ việc người dùng “tố” công khai, mượn tiếng nói của cộng đồng mạng nhằm công kích với mục đích bôi nhọ, xúc phạm đời tư, kích động dư luận gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Theo các chuyên gia pháp luật nguyên nhân của tình trạng này là do người dùng mạng xã hội nhận thức sai lệch, chạy theo trào lưu. Cùng với đó, việc phát hiện, xử lý với các hành vi trên không gian mạng còn chưa triệt để do vướng mắc về kỹ thuật và hành lang pháp lý... Theo luật định, hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là tổ chức và bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cá nhân. Bên cạnh đó, nếu tính chất, mức độ hành vi, gây hậu quả nghiêm trọng, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác với mức phạt tù cao nhất là 5 năm tương ứng với mức độ của hành vi vi phạm.

DƯ NỢ CẤP CHO TÍN DỤNG XANH TẠI VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG NHANH

Trong giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế. Tuy nhiên, tỉ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế do đây là lĩnh vực mới.

Trong 2 năm trở lại đây, số lượng tổ chức nước ngoài cấp vốn cho tín dụng xanh ở Việt Nam đã tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước đó. Tiềm năng thu hút đầu tư còn rất lớn. Đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối 12 dự án xanh do NHNN xây dựng và ban hành từ năm 2015 đạt gần 500.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế). Tín dụng xanh đang là xu hướng của ngành tài chính toàn cầu, nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam cần kịp thời nắm bắt được cơ hội từ các nguồn vốn xanh, cả trong nước và quốc tế. Đây cũng là nguồn lực tài chính quan trọng để chúng ta đạt được cam kết phát thải ròng về 0% vào năm 2050.

THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC: NỖI LO LỘ ĐỀ THI

Bên cạnh việc nở rộ các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại về việc lộ đề thi từ sự giống nhau của một số câu hỏi giữa các lần thi. Điều này sẽ tạo sự bất công giữa các thí sinh.

Mới đây trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh đề thi phần Ngữ Văn – Ngôn ngữ trong kỳ thi đánh giá năng lực của 1 trường đại học ở Hà Nội. Ngay sau khi đăng tải, nội dung này đã được lan truyền nhanh chóng, thu hút nhiều sự quan tâm, bày tỏ bức xúc của các thí sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Nhiều em cho rằng, các câu hỏi trong bài đáp án này đúng với nội dung những câu mà các em đã thi trong đợt 1 vừa qua. Nhiều phụ huynh cho biết sẽ là không công bằng với những thí sinh được luyện thi và trúng tủ. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, không riêng các kỳ thi đánh giá năng lực mà thi tốt nghiệp THPT hàng năm cũng rộ lên tin đồn lộ đề môn Ngữ văn. Lý do là vì đề thi chỉ xoay quanh một số tác phẩm Ngữ văn thuộc chương trình lớp 12 nên trùng lặp là điều khó tránh. Dù câu hỏi có thay đổi nhưng nhìn chung một số học sinh vẫn mang tâm lý học tủ, ôn tủ.

CẢNH BÁO MẠO DANH NGÂN HÀNG, TỔ CHỨC TÀI CHÍNH CHO VAY ONLINE LÃI SUẤT THẤP ĐỂ LỪA ĐẢO

Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu vay vốn tăng cao của nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ, các đối tượng phạm tội đã mạo danh các ngân hàng, công ty tài chính cho vay tiền trực tuyến với lãi suất rất thấp nhằm thực hiện hành vi lừa đảo...

Thủ đoạn chủ yếu là một chuỗi các hoạt động lừa đảo, Các đối tượng để cho người muốn vay tiền phải tự làm hồ sơ vay tiền trực tuyến, sau đó yêu cầu người vay phải chuyển một khoản tiền nhỏ (khoảng từ 500.000đ đến 5.000.000đ) phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay… Sau khi dụ người vay chuyển các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay. Tiếp đó yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền sau khi khoản vay được giải ngân. Khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc. Người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.

Thực hiện : Ngô Trang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-tinh-tao-khi-dung-mang-xa-hoi