'Điểm danh' nhiều vụ tham nhũng trong cơ quan phòng chống tham nhũng
Việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật làm giảm niềm tin của nhân dân.
Sáng 12/9, tại phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, bà Nga lưu ý, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Điển hình như các vụ: Nguyễn Thị Kim Anh - Phó phòng phòng chống tham nhũng Thanh tra Bộ Xây dựng và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc; vụ 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong quá trình thanh tra một số địa phương của tỉnh này hay vụ ông Đặng Trường An, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, Tây Ninh nhận hối lộ.
Báo cáo cũng chỉ rõ thêm các vụ như ông Giáp Văn Huyên, thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang nhận hối lộ; 3 cán bộ công an phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận hối lộ; ông Đinh Văn Thơm, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…
Bà Lê Thị Nga cho rằng, vấn đề này cần được Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.
Đề nghị xử nghiêm vụ nữ Đại úy lăng mạ nhân viên hàng không
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua.
Năm 2019, có 21 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng (giảm 8 người so với cùng kỳ năm 2018).
“Vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện, nên hiệu quả của biện pháp này trong công tác phòng chống tham nhũng chưa cao” – bà Lê Thị Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh thêm về tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra. Vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, trong đó có những trường hợp rất phản cảm và gây bức xúc trong dư luận.
Điển hình như trường hợp nữ đại úy thuộc ngành công an ở Hà Nội có hành vi gây mất trật tự và cư xử không đúng mực tại sân bay Tân Sơn Nhất. “Đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm trường hợp này” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Bà Nga cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể cho Quốc hội kết quả công tác kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước./.