Điểm lại một số thương vụ trúng thầu thuốc bệnh viện của Pharbaco
Nhiều năm liền, trong các báo cáo thường niên, CTCP Dược phẩm Trung Ương I (Pharbaco) đều chia sẻ định hướng phát triển trở thành một trong 10 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh dược phẩm hàng đầu Việt Nam, đồng thời cũng trở thành doanh nghiệp chủ chốt cung ứng thuốc cho các dự án quốc gia về phòng chống lao và sốt rét. Các thương vụ trúng thầu thuốc là minh chứng rõ nét đánh dấu bước tiến của Pharbaco trên hành trình chinh phục những mục tiêu phát triển này.
Trụ sở của Pharbaco tại Hà Nội. (Ảnh: Thanh Hằng)
Theo tìm hiểu của VietTimes, vào tháng 10/2018, Pharbaco đã trúng gói thầu “Thuốc bột pha tiêm Artesunat 60mg (theo tên generic)” của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Giá trị trúng thầu bằng với giá trị gói thầu là 371,8 triệu đồng.
Đầu năm 2017, Pharbaco là một trong 3 nhà thầu (bên cạnh CTCP Dược phẩm Nam Hà và CTCP Dược phẩm Imexpharm) cung cấp thuốc chống lao (thuốc theo tên generic) thuộc dự án “Hoạt động phòng chống bệnh lao thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số” của Bệnh viện Phổi Trung Ương. Giá trúng thầu là hơn 71,4 tỷ đồng.
Hồi cuối năm 2016, Pharbaco trúng 2 gói thầu theo hình thức chỉ định thầu trong nước.
Cụ thể, công ty này đã trúng thầu “Cung ứng thuốc chống Lao năm 2016” thuộc dự án cùng tên của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Ninh Thuận. Giá trúng thầu là 19,35 triệu đồng, bằng với giá trị gói thầu.
Tại tỉnh Bình Thuận, Pharbaco trúng gói thầu “Cung cấp thuốc bột pha tiêm artesunat 60 mg năm 2016” thuộc “Dự án Phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng (bệnh sốt rét) của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn. Giá trúng thầu cũng bằng giá gói thầu là hơn 297,9 triệu đồng.
Các gói thầu kể trên đều là hợp đồng trọn gói.
Giai đoạn trước đó, Pharbaco cũng để lại nhiều dấu ấn trong thị trường đấu thầu thuốc bệnh viện. Theo thống kê của một công ty chứng khoán, Pharbaco từng nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm chiếm gần 50% tổng giá trị thuốc sản xuất tại Việt Nam trúng thầu chỉ riêng tại khu vực Tp. HCM.
“Trong đó, CTCP Dược phẩm TW1 (Pharbaco) là nhà sản xuất dược phẩm có giá trị trúng thầu cao nhất tại khu vực Tp.HCM trong năm 2014 với tổng giá trị gần 329 tỷ đồng ~ 15% tổng giá trị trúng thầu (giá trị này bao gồm thuốc do Pharbaco tự đấu thầu và thuốc Phabarco sản xuất cung ứng cho các đơn vị khác để tham gia đấu thầu). Đặc biệt, vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành như Domesco, Bidiphar, OPV…” - báo cáo phân tích của công ty chứng khoán này cho biết.
Ngoài ra, liên danh giữa Pharbaco và Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (công ty con của CTCP VN Pharma) cũng trúng các gói thầu có giá trị tới 208 tỷ đồng trong năm 2014. Hầu hết thuốc do Pharbaco tự sản xuất (182 tỷ đồng).
Đáng chú ý, dòng thuốc tiêm điều trị ung thư do Pharbaco sản xuất trúng thầu đến 71 tỷ đồng, dòng kháng sinh tiêm Cephalosporin (Imipenem + Cilastatin) trúng thầu đến 59 tỷ đồng.
Những nốt trầm của Pharbaco
Hoạt động kinh doanh của Pharbaco cũng đối mặt không ít rủi ro và thách thức.
Cuối tháng 2/2019, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn đình chỉ lưu hành tất cả các lô thuốc Fensipol (Fenspiride hydrochloride 2 mg/ml) do Công ty Polfarmex S.A (Polfarmex S.A) sản xuất, Pharbaco nhập khẩu. Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu Pharbaco phối hợp với nhà phân phối thu hồi lại lô thuốc Fensipol tại Việt Nam.
Nguyên nhân là do, ngày 21/2/2019, Cục Quản lý dược nhận được văn thư số 01-19/Pol (đề ngày 20/2/2019) của Polfarmex S.A đề nghị tạm dừng lưu hành và thu hồi tất cả các lô thuốc Fensipol (Fenspiride hydrochloride 2 mg/ml) tại Việt Nam. Văn thư này cũng kèm theo quyết định của Cơ quan quản lý Dược Ba Lan về việc tạm dừng lưu hành thuốc sirô Elofen (Fenspiride hydrochloride 2 mg/ml) tại Ba Lan do “Fenspiride có nguy cơ cao hơn lợi ích của thuốc”.
Mặt khác, như VietTimes đã đề cập, Pharbaco từng có nhiều hoạt động kinh doanh với CTCP VN Pharma (VN Pharma) - một doanh nghiệp có tiếng trong hoạt động đấu thầu thuốc bệnh viện.
Năm 2014, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị bắt giữ để phục vụ điều tra với tội danh làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita chữa ung thư.
Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, tại phiên xét xử sở thẩm lần 2 diễn ra vào ngày 24/9/2019, ông Hùng khai rằng đã chỉ đạo bị cáo Ngô Anh Quốc (Chủ tịch Công ty Dược Nam Anh - công ty do Hùng thành lập) liên danh với Pharbaco dự thầu, rồi trúng thầu tại Sở Y tế Tp. HCM, cung cấp hơn 471.000 viên thuốc H-Capita (tương đương 15.709 hộp) trong các bệnh viện tại TP.HCM.
Sau đó, thuốc H-Capita được đưa vào Bệnh viện Trưng Vương với giá trúng thầu là 31.000 đồng/viên, tương đương 930.000 đồng/hộp (mỗi hộp 30 viên), cao hơn giá mua là 12.000 đồng/viên.
Cũng trong giai đoạn 2014 - 2015, doanh thu của Pharbaco giảm sút rõ rệt khi đối tác phân phối các sản phẩm đặc biệt có giá trị lớn và hiệu quả điều trị cao “gặp rủi ro lớn về mặt cá nhân lãnh đạo”.
Pharbaco thường xuyên nhập nguyên liệu làm thuốc từ các cơ sở ở nước ngoài, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, có thể kể tới một số cơ sở sản xuất nguyên liệu như: DSM Anfi Infectives India Litd; Vardhman ChemTech Limited; Henan Lvyuan Pharmaceutial Co., Ltd; Livzon Group Fushou Fuxing Pharmaceutial Co., Ltd;…
Cần lưu ý rằng, theo một số thống kê, hơn 90% nguyên liệu sản xuất tân dược hiện nay ở Việt Nam đều phải nhập khẩu, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tỷ trọng cao nhất. Do đó, Pharbaco cũng khó tránh khỏi xu hướng này.
Hiện, Pharbaco đã được biết đến làm một trong những công ty thuộc “hệ sinh thái” của doanh nhân kín tiếng Ngô Nhật Phương. Trên cương vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Pharbaco, ông Phương đã dành nhiều tâm huyết để giúp công ty này ngày càng củng cố vị thế trong lĩnh vực dược phẩm.
Công ty đang có kế hoạch phát hành thêm cổ phần cho một số nhà đầu tư chiến lược, nhằm huy động 550 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-EU giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng).
Ngoài ra, giới chủ của Pharbaco cũng bày tỏ tham vọng sẽ đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư, vắc xin, tiểu đường trong tương lai./.