Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/10

Tỷ giá trung tâm tăng 15 đồng, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 2,05 điểm hay tổng thu ngân sách nhà nước tháng 9/2024 ước đạt 94,3 nghìn tỷ đồng... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 8/10.

Điểm lại thông tin kinh tế

Điểm lại thông tin kinh tế

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ, phiên 08/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.168 VND/USD, tăng tiếp 15 đồng so với phiên đầu tuần.

Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.326 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.849 VND/USD, giảm 09 đồng so với phiên 07/10.

Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.200 VND/USD và 25.300 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 08/10, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm từ 0,01 - 0,08 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 3,48%; 1 tuần 3,66%; 2 tuần 3,83 và 1 tháng 4,04%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 – 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,84%; 1 tuần 4,89%; 2 tuần 4,94%, 1 tháng 4,96%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp biến động trái chiều; chốt phiên với: 3 năm 1,88%; 5 năm 1,90%; 7 năm 2,15%; 10 năm 2,66%; 15 năm 2,86%.

Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 3.251,12 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.

Như vậy, NHNN hút ròng 3.251,12 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 2.717,21 tỷ đồng, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.

Thị trường chứng khoán lại có thêm một phiên giằng co, VN-Index kết phiên tăng điểm nhưng không quá ấn tượng. Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 2,05 điểm (+0,16%), lên mức 1.271,98 điểm; HNX-Index mất 0,94 điểm (-0,41%) còn 231,52 điểm; UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) xuống 92,45 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ với giá trị giao dịch đạt gần 17.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 225 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 9/2024 ước đạt 94,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 9/2024 ước đạt 153,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tin quốc tế

Theo thông tin từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức Destatis, sản lượng công nghiệp nước này tăng 2,9% so với tháng trước trong tháng 8 sau khi giảm 2,9% tháng trước đó, tích cực hơn mức tăng 0,8% theo dự báo của thị trường. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp nước này giảm 2,7%.

Biên bản kỳ họp tháng 9 vừa được công bố hôm qua của Ngân hàng trung ương Úc RBA cho thấy, một mặt, đà tăng trưởng nhu cầu trong nước yếu hơn một chút so với kỳ vọng của RBA và vẫn có rủi ro tiêu dùng hộ gia đình chưa tăng trở lại, mặt khác lạm phát quý 2/2024 vẫn ở mức cao 3,9% và chưa cho thấy dấu hiệu rõ rệt sẽ được duy trì bền vững trong ngưỡng mục tiêu 2-3% của RBA.

Vì vậy, RBA quyết định giữ lãi suất chính sách ở mức 4,35%, mức này được duy trì kể từ tháng 11/2023. RBA cũng chưa cho thấy hướng đi của lãi suất chính sách trong tương lai, nhấn mạnh sẽ dựa vào các chỉ số kinh tế, thị trường lao động, tiêu dùng để ra các quyết định trong tương lai.

Nhật Bản ghi nhận một số thông tin đáng chú ý. Thu nhập bình quân của người lao động Nhật bản tăng 3,0% y/y trong tháng 8, bằng với kỳ vọng của thị trường nhưng thấp hơn mức tăng 3,4% của tháng trước đó. Chi tiêu hộ gia đình nước này tháng 8 giảm 1,9% so với cùng kỳ, tuy trái với mức tăng 0,1% của tháng trước đó nhưng tích cực hơn dự báo ở mức giảm 2,5%.

Một thông tin kinh tế khác, cán cân vãng lai của Nhật thăng dư 3,02 nghìn tỷ JPY trong tháng 8, cao hơn mức thặng dư 2,8 nghìn tỷ của tháng 7, đồng thời cao hơn dự báo của thị trường với mức thặng dư 2,43 nghìn tỷ.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-810-156486-156486.html