Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 14-18/10

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 2.506 tỷ đồng. Chốt phiên cuối tuần 18/10, VN-Index đứng ở mức 989,20 điểm, giảm nhẹ 2,64 điểm (-0,27%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng nhẹ 0,22 điểm (+0,21%), lên mức 105,48 điểm; UPCOM-Index giảm 0,51 điểm (-0,90%) lên 56,46 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 14,5 tỷ đồng.

Tổng quan

Mỹ và Trung Quốc cùng cho thấy thái độ tích cực hơn về bản thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”. Đầu tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này đã mua lượng lớn nông sản của Mỹ, ở phía Mỹ cũng đã xác nhận điều này tuy nhiên cũng cho biết số liệu thống kê giao dịch giữa hai bên là không trùng khớp.

Cũng trong những ngày đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trả lời báo chí cho biết Mỹ vẫn sẽ đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào 15/12 nếu các thỏa thuận vẫn chưa được ký kết tại thời điểm đó. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 19/10 khẳng định nước này sẽ làm việc với Mỹ để giải quyết các mối quan ngại chính của mỗi bên trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng cho rằng thỏa thuận thương mại giữa hai bên có thể được ký khá sớm và hy vọng sẽ ký tại hội nghị thượng đỉnh của APEC mà ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng tham dự.

Nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 6% trong quý III/2019, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 3/1992 tới nay. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với mức 6,2% của quý II và mức 6,1% theo dự báo của các chuyên gia.

Trước đó ngày 15/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 xuống mức 6,1% và năm 2020 xuống 5,8% với lý do chính đó là xung đột thương mại và nhu cầu trong nước yếu kém.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bước sang tháng thứ 15 và vẫn chưa đạt được một thỏa thuận rõ ràng. Trong khi đó, bức tranh kinh tế nội tại của Trung Quốc nhìn từ những số liệu thống kê gần đây đều khá ảm đạm: Xuất khẩu giảm, sản lượng công nghiệp tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ 2002, doanh số bán lẻ chậm lại, luồng vốn chảy ra ngoài Trung Quốc tăng kỷ lục…

Theo các chuyên gia của Moody’s, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể tiếp tục nới lỏng các điều kiện tín dụng, trong đó có việc hạ lãi suất.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế khá ảm đạm của Trung Quốc tạo áp lực lên tăng trưởng toàn cầu khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Giá đậu nành, quặng sắt và các mặt hàng khác đã liên tục giảm và đang tác động mạnh tới xuất khẩu của các nước như Brazil hay Australia. Bên cạnh đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, việc tăng trưởng kinh tế nước này thấp có thể sẽ khiến cho nhu cầu dầu giảm.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất trong số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân mỗi tháng lên đến 9 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm, riêng thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 13,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm và ghi nhận mức giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, các nhóm hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Trung Quốc có thể kể đến như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; hàng nông sản… cũng chính là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Với triển vọng được dự báo là ảm đạm hơn của nền kinh tế thứ 2 thế giới, xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục gặp rủi ro trong thời gian tới.

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 14-18/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 18/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.154 VND/USD, không thay đổi so với tuần trước đó.

Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.799 VND/USD.

Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua gần như không biến động. Kết thúc phiên cuối tuần 18/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.203 VND/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tương tự tuần trước đó, tuần vừa qua, tỷ giá trên thị trường tự do biến động rất ít, chỉ tăng 5 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.185 - 23.205 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 14/-18/10, lãi suất liên ngân hàng VND giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 18/10, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 1,78% (-0,15 điểm phần trăm); 1 tuần 1,97% (-0,15 điểm phần trăm); 2 tuần 2,23% (-0,15 điểm phần trăm); 1 tháng 2,53% (-0,19 điểm phần trăm).

Lãi suất liên ngân hàng USD cũng giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Cuối tuần 18/10, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,02% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 2,13% (-0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,25% (-0,06 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,44% (-0,04 điểm phần trăm).

Thị trường mở tuần từ 14-18/10, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 87.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%/năm. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này. Trong tuần có 89.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 87.000 tỷ đồng.

Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trong cả 5 phiên tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,50%/năm, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Trong tuần có 495 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 2.506 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần qua.

Thị trường trái phiếu giao dịch trên sơ cấp trong tuần từ 14-18/10, Kho bạc Nhà nước huy động thành công toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (tỷ lệ trúng thầu 100%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 20 năm huy động được 500 tỷ đồng/mỗi loại; kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được 1.500 tỷ đồng/mỗi loại. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đồng loạt giảm từ 4 - 30 điểm so với phiên trước đó.

Giao dịch trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt 8.211 tỷ đồng, tăng so mức 6.954 tỷ đồng/phiên tuần trước đó.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh so với tuần trước đó. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ phiên cuối tuần 18/10 giao dịch quanh: 1 năm 2,34% (-0,28 điểm phần trăm); 2 năm 2,46% (-0,24 điểm phần trăm); 3 năm 2,55% (-0,26 điểm phần trăm); 5 năm 2,69% (-0,25 điểm phần trăm); 7 năm 3,2% (-0,41 điểm phần trăm); 10 năm 3,7% (-0,24 điểm phần trăm); 15 năm 3,9% (-0,28 điểm phần trăm).

Thị trường chứng khoán tuần qua, các chỉ số đều biến động. Chốt phiên cuối tuần 18/10, VN-Index đứng ở mức 989,20 điểm, giảm nhẹ 2,64 điểm (-0,27%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng nhẹ 0,22 điểm (+0,21%), lên mức 105,48 điểm; UPCOM-Index giảm 0,51 điểm (-0,90%) lên 56,46 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp tương tự tuần trước đó với tổng giá trị giao dịch gần 4.200 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 14,5 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

Tin quốc tế

Doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung của nước Mỹ trong tháng 9 lần lượt giảm 0,1% và 0,3% so với tháng trước sau khi tăng 0.2% và 0,6% ở tháng 8, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,2% và 0,3% của các chuyên gia.

Số đơn cấp phép xây dựng tại Mỹ ở mức 1,39 triệu đơn, thấp hơn mức 1,43 triệu đơn của tháng 8 nhưng cao hơn dự báo ở mức 1,34 triệu đơn. Bên cạnh đó số nhà khởi công trong tháng vừa qua ở mức 1,26 triệu căn, thấp hơn mức 1,39 triệu căn của tháng 8 và mức dự báo 1,32 triệu căn.

Nước Anh vẫn chưa thể khép lại kịch bản Brexit, kinh tế nước này trong tuần qua cũng đón nhận nhiều thông tin trái chiều nhưng thiên về hướng tiêu cực.

Ngày 18/10 vừa qua, Ủy ban Liên minh Châu Âu EC đã đồng ý về thỏa thuận Brexit mới được Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp Hội nghị Thượng đỉnh EU. Tuy nhiên, Quốc hội Anh đã ngay sau đó bỏ phiếu đề nghị Thủ tướng Johnson gửi đề nghị gia hạn Brexit lên EC cho tới khi Quốc hội nước này thông qua toàn bộ dự luật Brexit.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi thư xin gia hạn Brexit thêm một lần nữa sau hạn chót 31/10, dù trước đó ông khẳng định sẽ không thương lượng về việc gia hạn.

Liên quan đến kinh tế Anh, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng 8 tăng lên mức 3,9% từ mức 3,8% của tháng trước đó, trái với kỳ vọng không có sự thay đổi của các chuyên gia. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động Anh chỉ tăng 3,8% trong tháng 8, thấp hơn mức tăng 3,9% của tháng 7 và dự báo ở mức 4,0%.

Về chỉ số lạm phát, CPI của nước Anh tăng 1,7% so với cùng kỳ trong tháng 9, bằng với mức tăng của tháng 8 tuy nhiên thấp hơn kỳ vọng tăng 1,8% của các chuyên gia. Bên cạnh đó CPI lõi tăng 1,7% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua, cao hơn mức 1,5% của tháng trước đó và khớp với dự báo.

Doanh số bán lẻ của Anh trong tháng 9 không thay đổi, tích cực hơn mức giảm 0,3% của tháng 8 và dự báo giảm nhẹ 0,1%.

Trung Quốc nhận nhiều thông tin kinh tế tích cực của tháng 9. Cán cân thương mại Trung Quốc tháng 9 thặng dư 275 tỷ CNY, cao hơn mức thặng dư 240 tỷ của tháng 8 đồng thời cao hơn mức thặng dư 254 tỷ dự báo. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng 5,8% so với cùng kỳ trong tháng 9, cao hơn mức 4,4% của tháng 8 và mức 5,0% theo dự báo.

Tuy nhiên, GDP quý II của nước này chỉ tăng 6,0%, giảm tốc rõ rệt so với quý II năm ngoái và thậm chí thấp hơn mức tăng 6,1% theo dự báo. CPI Trung Quốc tăng 3,0% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua, cao hơn mức 2,8% của tháng 8 và mức 2,9% theo kỳ vọng.

PL

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-14-1810-93628.html