Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 16-20/9

Ngân hàng Nhà nước hút ròng 68.997 tỷ đồng. Chốt phiên cuối tuần 20/9, VN-Index đứng ở mức 990,36 điểm, tăng 3,14 điểm (+0,32%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,94 điểm (+1,90%), lên mức 104,14 điểm; UPCOM-Index tăng 0,25 điểm (+0,07%) lên 56,97 điểm. Thanh khoản thị trường tăng khá. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 560 tỷ đồng.

Tổng quan

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8/2019 ước đạt 100,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế 8 tháng ước đạt 997,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, thu nội địa tháng 8 ước đạt 81,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 8 tháng ước đạt 808,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,9% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2018 (đạt 64,6% dự toán, tăng 17,1%); thu từ dầu thô tháng 8 ước đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế 8 tháng ước đạt 38,78 nghìn tỷ đồng, bằng 87% dự toán, giảm 6,8% so cùng kỳ năm 2018; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 124,49 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 8 tháng đạt 901,35 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 161,27 nghìn tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán, giảm 8,8%; chi trả nợ lãi đạt 76,76 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán, tăng 1,6%; chi thường xuyên đạt 649,89 nghìn tỷ đồng, bằng 65% dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Do cân đối ngân sách nhà nước 8 tháng tiếp tục có thặng dư, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Tổng số 8 tháng đã phát hành được 152 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ với kỳ hạn bình quân là 13,48 năm, lãi suất bình quân là 4,89%/năm.

Ngoài ra, trả nợ của Chính phủ trong tháng 8/2019 khoảng 5.389 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 4.315 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 1.074 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, trả nợ của Chính phủ khoảng 213.142 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 180.025 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 33.117 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết số thu những tháng gần đây bắt đầu xuất hiện dấu hiệu chững lại và cho rằng hoạt động thu chi ngân sách nhà nước 4 tháng cuối năm sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, chiến tranh thương mại gia tăng, giá dầu giảm nhanh, thất thường và khó dự báo; giải ngân vốn đầu tư công chậm, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra...

Mới đây, Bộ Tài chính đã ra hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó phấn đấu tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 khoảng 19 - 20%.

Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức và lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi ngân hàng nhà nước Việt Nam) năm 2020 bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 10 - 12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019.

Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019.

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 16-20/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 20/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.142 VND/USD, tăng 9 đồng so với cuối tuần trước đó.

Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.786 VND/USD.

Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua tiếp tục biến động nhẹ trên mức tỷ giá mua của NHNN. Kết thúc phiên cuối tuần 20/9, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.204 VND/USD, tăng 1 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 20/9, tỷ giá tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại 23.190 - 23.220 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 16-20/9, lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục đà giảm mạnh của các tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 20/9, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 2,26% (-0,52 điểm phần trăm); 1 tuần 2,50% (-0,46 điểm phần trăm); 2 tuần 2,78% (-0,44 điểm phần trăm); 1 tháng 3,22% (-0,32 điểm phần trăm).

Lãi suất liên ngân hàng USD tăng nhẹ ở kỳ hạn qua đêm trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại trong tuần vừa qua. Cuối tuần 20/9, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,23% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,28% (-0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,37% (-0,04 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,47% (-0,08 điểm phần trăm).

Thị trường mở tuần từ 16-20/9, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 69.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,5%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 68.997 tỷ đồng.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 68.997 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua.

Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trong cả 5 phiên tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giảm xuống mức 4,50%/năm. Tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.

Thị trường trái phiếu ngày 16/9, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thành công 1.200/1.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 80%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 200/500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu không đổi tại 4,4%/năm. Kỳ hạn 15 năm huy động thành công toàn bộ 1.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 4,7%/năm - thấp hơn 0,05% so với phiên đấu thầu trước.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường trái phiếu thứ cấp tuần qua đạt 9.518 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức trên 8.800 tỷ đồng/phiên tuần trước đó.

Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng nhẹ trở lại ở hầu hết các kỳ hạn, trừ kỳ hạn 5 năm. Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ phiên cuối tuần 20/09 giao dịch quanh mức: 1 năm 2,64% (+0,02 điểm phần trăm); 2 năm 2,75% (+0,04 điểm phần trăm); 3 năm 2,84% (+0,02 điểm phần trăm); 5 năm 2,95% (-0,09 điểm phần trăm); 7 năm 3,61% (+0,02 điểm phần trăm); 10 năm 34% (+0,09 điểm phần trăm); 15 năm 4,27% (+0,07 điểm phần trăm).

Thị trường chứng khoán tuần qua tương đối tích cực khi cả 3 sàn đều kết thúc tuần trong sắc xanh, mặc dù vậy, VN-Index vẫn chưa vượt được ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm.

Chốt phiên cuối tuần 20/9, VN-Index đứng ở mức 990,36 điểm, tăng 3,14 điểm (+0,32%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,94 điểm (+1,90%), lên mức 104,14 điểm; UPCOM-Index tăng 0,25 điểm (+0,07%) lên 56,97 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng khá so với tuần trước đó với tổng giá trị giao dịch trên 4.900 tỷ đồng/phiên nhờ thanh khoản đạt cao phiên cuối tuần. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 560 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

Tin quốc tế

Mỹ - Trung tiếp tục xuống thang khi đang đàm phán cấp Thứ trưởng, OCED hạ dự báo kinh tế thế giới và Fed hạ lãi suất lần thứ hai là những thông tin đáng chú ý trong tuần vừa qua.

Cụ thể, ngày 20/9, khi cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng của Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định xóa bỏ mức thuế bổ sung 25% đối với 437 mặt hàng của Trung Quốc đã bị Mỹ đánh thuế vào đợt thứ 3 trong năm 2018.

Sau cuộc họp với các quan chức Mỹ, phái đoàn của Trung Quốc đột ngột hủy chuyến thăm quan các trang trại của Mỹ và về nước, làm dấy lên hoài nghi về triển vọng của một thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia này.

Tuy nhiên cũng trong ngày 20/9, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ USTR cho biết cuộc đàm phán đã diễn ra khá hiệu quả. Tổng thống Trump tự tin rằng có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, tuy nhiên cũng cho biết ông không chịu áp lực phải có thỏa thuận này trước bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm 2020.

Trước khi hai nước đàm phán, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020, cảnh báo năm 2019 có tốc độ phát triển chậm nhất kể từ sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kết thúc năm 2009.

Liên quan đến Fed, cơ quan này quyết định hạ lãi suất 25 điểm, từ biên độ 2,0 - 2,25% xuống biên độ 1,75-2%. Trong 10 thành viên bỏ phiếu lãi suất tại kỳ họp này có 7 thành viên ủng hộ quyết định trên, tuy nhiên có 2 thành viên đề nghị không thay đổi lãi suất và 1 thành viên cho rằng cần hạ lãi suất 50 điểm.

Dots plot cho thấy trong nội bộ Fed có 5 thành viên muốn giữ lãi suất ở mức trước đây 2,0 - 2,25%, 5 thành viên cho rằng nên giữ lãi suất hiện nay đến cuối năm, trong khi 7 thành viên muốn có thêm một lần cắt giảm nữa trong năm 2019.

Ngân hàng Trung ương Anh BOE và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ cũng có các phiên họp chính sách trong tuần vừa qua, ngay sau cuộc họp của Fed, tuy nhiên cả hai đều không thay đổi lãi suất chính sách.

PL

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-16-209-92484.html